Khi lòng trắc ẩn luôn sẵn có trong mỗi người, những người ăn xin cũng xuất hiện. Và khi đứng trước những người ăn xin, chúng ta thường suy nghĩ là có cho hay không cho tiền họ. Lý trí đôi khi không thể thắng được tình cảm, nhất là khi, hình ảnh của những người ăn xin la liệt ngoài đường với những bộ dạng đáng thương sẽ khiến cho nhiều người sẵn sàng san sẻ.
Ở khắp Hà Nội, từ các tuyến đường nội đô sầm uất đến các ngã 3, ngã 4 trên đường quốc lộ hay quận vùng ven, người ăn xin gần như phủ kín các ngả đường. Từ già đến trẻ, từ nghèo khó, đến tật nguyền và không thiếu, những thanh niên lành lặn cũng gia nhập vào đội quân này. Cứ bị đuổi thì lại di chuyển, người này đi lại có ngay người khác đến. Làm công việc với cái tên rất nhàn hạ là ăn xin nhưng đa phần họ phải tuân thủ khoảng thời gian hoạt động kéo dài ít nhất 12 tiếng/ngày. Xuất hiện từ sáng sớm, càng về đêm số lượng những người hành nghề ăn xin lại càng trở nên đông đảo nhằm gợi lòng trắc ẩn của người đi đường.
Hầu như tất cả những người ăn xin đều là người ngoại tỉnh, không thông thuộc đường phố Hà Nội nhưng cách lựa chọn địa điểm hành nghề của họ lại rất chuẩn xác, thường ở ngã 3, ngã 4 có mật độ giao thông đông đúc và có thời gian chờ đèn đỏ lâu để thuận lợi cho việc xin tiền. Nhưng nếu không khéo, lòng thương sẽ biến thành nỗi phiền toái và thế là người ăn xin cũng phải tự tìm ra nhiều cách để công việc của mình trở nên thuận lợi nhất có thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!