Sau một thời gian xử lý ô nhiễm bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản Nano - Bioreactor, thực tế cho thấy nước sông Tô Lịch có giảm đen và mùi hôi.
Sông Tô Lịch có chiều dài 14km với gần 300 cửa xả nước thải sinh hoạt trực tiếp của người dân. Đa số các chuyên gia môi trường đều cho rằng, giải pháp đầu tiên ở đây cần làm là xử lý được nước thải sinh hoạt, nước sản xuất tại nguồn.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng, việc xử lý không chỉ đơn giản là việc tách lọc nước thải đầu nguồn, vì không giải quyết được hết tình trạng ô nhiễm.
"Công nghệ chúng tôi không phải xử lý ở phần ngọn của vấn đề, mà xử lý ô nhiễm ở cả hai phần: nước thải chảy vào hàng ngày và ô nhiễm bên trong nguồn nước. Đó là biện pháp tổng thể" - TS Takeba Akira (Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản) cho biết.
"Chúng ta nên hiểu đó là "nhà máy xử lý nước thải" ngay trong lòng sông. Lượng nước xả thải được xử lý ngay trong ngày. Tốc độ xử lý của chúng tôi là gần 1,5 triệu m3/ngày, gấp 9 lần so với khối lượng nước thải đổ ra sông" - TS Kubo Jun (Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản) cho hay.
Trong khi đó, một số chuyên gia môi trường cho rằng dự án là tích cực, tuy nhiên vẫn hoài nghi về tính bền vững.
Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản hiện đang được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới và có hiệu quả. Tại Hà Nội, sau 2 tuần lắp đặt hệ thống Nano - Bioreactor ở đầu nguồn sông Tô Lịch, kết quả cho thấy mùi hôi thối đã giảm bớt, độ dày bùn tại các điểm lắp đặt giảm từ 10 - 20 cm. Trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục kiểm nghiệm kết quả sau thời gian 1 tháng và 3 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!