Gỗ lim xanh là một loại gỗ quý, được mệnh danh là "sắt nguội" của núi rừng Tam Đảo. Hiện 1m3 gỗ thô, loại lim xanh đang được các đầu nậu buôn gỗ trái phép giao dịch với giá từ 30-40 triệu đồng. Thú chơi gỗ quý của nhiều người đang khiến cho những cây gỗ lim xanh thuộc địa bàn Tam Đảo đang ngày càng bị cạn kiệt do khai thác tận thu.
Mới đây, một vụ chặt hạ 9 cây gỗ lim xanh tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo đã bị cơ quan chức năng phát hiện và UBND huyện Tam Đảo đã có quyết định tạm dừng khai thác đối với loại gỗ này. Bởi nếu không ngăn chặn sớm, có thể số lượng cây gỗ lim xanh bị chặt hạ sẽ không dừng lại ở con số đó.
Rừng Lim ở xã Đại Đình đã được coi là báu vật của núi rừng Tam Đảo. Vì thế, mọi hành vi đốn hạ, chặt phá lim rừng đều bị coi là phạm pháp. Tuy nhiên, vụ thảm sát lim rừng lần này đã diễn ra công khai giữa ban ngày.
Theo người dân địa phương, chỉ trong vòng vài phút, gần chục cây gỗ lim đã bị cưa hạ vào sáng 17/5. Sự việc chỉ được ngăn chặn khi phía xã phát hiện. Vì lý do đơn vị khai thác đã chặt lim khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tuy nhiên, theo chủ rừng, thương vụ bán gỗ lim này đã cơ quan kiểm lâm cho phép. Khoảng 30 cây từ bé đến lớn đã được bán đứt cho đơn vị khai thác với giá 350 triệu đồng và có văn bản.
"Văn bản đàng hoàng" mà chủ rừng nhắc đến là văn bản trả lời đơn xin khai thác gỗ lim của Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đảo. Mọi chuyện từ đơn giản trở nên phức tạp cũng từ chính văn bản đàng hoàng này. Vì dòng trên, Hạt Kiểm lâm khẳng định "Khi khai thác thực hiện theo các thông tư của Bộ NN&PTNT". Nhưng dòng dưới lại ghi "chủ rừng tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc số gỗ lim đề nghị khai thác nói trên". Nghĩa là không nói rõ ràng về việc chủ rừng có được phép khai thác hay không.
Chủ rừng tự làm thì tự chịu. Vậy cấp quản lý còn có vai trò gì? Trên thực tế, từ khi rừng bị phá cho đến nay, cơ quan kiểm lâm vẫn chưa có bất cứ hoạt động ngăn chặn hay lập biên bản nào. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đảo cho rằng, hiện vẫn chưa xác định được vụ chặt lim là đúng luật hay là phạm pháp. Vì theo biên bản giao nhận đất lâm nghiệp năm 1996 giữa Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Đại Đình và chủ nhận đất thì không có cây lim nào được thống kê trên khoảnh rừng này.
Lẽ nào việc xác minh sự tồn tại của những cây lim lại trở nên khó đến như vậy trong khi người có tên trong biên bản bàn giao rừng ngày ấy giờ vẫn đang là một "nhân chứng" sống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!