Đây là thiết bị được lắp đặt trong nhiều tòa nhà tại đây, nhằm giảm thiểu tác động của động đất - loại thiên tai thường xảy ra ở Nhật Bản. Quy mô vụ bê bối có thể lan ra trên khắp cả nước, khiến người dân hết sức lo lắng.
Ngày 19/10, KYB - Tập đoàn vừa thừa nhận cung cấp thiết bị giảm chấn rung bị giả mạo số liệu, đã công bố tên 70 tòa nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 11 công trình lắp đặt các thiết bị không đạt tiêu chuẩn của chính phủ. Đa số các tòa nhà này là văn phòng chính quyền các tỉnh và thành phố, như: tòa nhà của Bộ Tài chính tại Tokyo, văn phòng của thành phố Osaka và tỉnh Hokkaido.
Trước đó, KYB cũng thông báo nghi ngờ có hơn 1.000 tòa nhà trên khắp Nhật Bản bị ảnh hưởng. Những sân vận động chuẩn bị cho Olympics 2020 cũng nằm trong diện có nguy cơ gặp vấn đề tương tự.
Nhà điều hành cấp cao của KYB đã xin lỗi vì chỉ phát hiện được một phần nhỏ trong tổng số các tòa nhà bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều cơ quan công quyền, bệnh viện và văn phòng thương mại. KYB dự kiến sẽ công bố tên các tòa nhà bị ảnh hưởng còn lại.
Ngay sau khi sự việc tập đoàn KYB thừa nhận cung cấp thiết bị giảm chấn rung bị giả mạo số liệu được công bố, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu KYB phải chịu trách nhiệm và nhanh chóng thay thế các thiết bị giảm chấn rung không đạt chuẩn. Cổ phiếu của công ty này cũng đã sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Đồng thời, vụ việc đã làm mất ít nhiều niềm tin của người dân Nhật Bản.
Hồi năm 2005, một vụ bê bối tương tự cũng đã xảy ra, khi một kiến trúc sư bị phát hiện đã làm sai lệch dữ liệu an toàn động đất của gần 100 căn hộ và khách sạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!