Năm ngoái, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, đã bắt đầu cho phần cuối cùng của "bức tường băng" trị giá 320 triệu USD, được xây ngầm dưới lòng đất nhằm ngăn nước nhiễm phóng xạ chảy từ nhà máy này đổ ra biển. Thế nhưng hiệu quả của nó đến đâu vẫn là điều còn gây nhiều hoài nghi cho người dân tại Fukushima.
Bức tường cắm sâu hơn 38m và dài gần 1,6 km được xây dựng nhằm ngăn nước ngầm hòa lẫn với nước nhiễm xạ rò rỉ từ nhà máy này. Kế hoạch là thế, nhưng đã gần 2 năm trôi qua, công trình này vẫn chỉ là sắp hoàn thành mà chưa xác định thời điểm. Việc xây dựng tường băng này không chỉ phức tạp mà chi phí bảo trì và vận hành công trình này còn rất tốn kém, có thể lên đến 9,5 triệu USD/năm. Một số chuyên gia từng nhận định rằng rằng giải pháp xây tường băng ngầm quá phức tạp và có thể không hiệu quả.
7 năm sau thảm họa, các chất phóng xạ từ lò phản ứng bị hư hại vẫn làm ô nhiễm 500 tấn nước mưa và nước ngầm mỗi ngày. Ngay cả robot được cử đến để nghiên cứu và dọn dẹp cũng không thể chịu nổi mức phóng xạ quá cao bên trong nhà máy. Và do đó, bức tường băng vốn được kỳ vọng là tấm chắn bảo vệ giờ đây còn mang theo lời nhắc nhở về những nỗi lo thường trực của người dân Fukushima.
Dù không phải giải pháp hoàn hảo nhưng công ty TEPCO cam kết tường băng sẽ làm giảm ô nhiễm xạ nguồn nước khi hoàn thành. Và trong khi quá trình khắc phục hậu quả sau thảm họa dự kiến sẽ kéo dài tới hàng chục năm giờ đây vẫn chưa có hồi kết, người dân vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi Fukushima thực sự hồi sinh trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!