"Tao hy vọng nó nhìn thấy cái này và tự sát" hay "Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có mày" những dòng tin nhắn này đã cướp đi mạng sống của Amanda và Megan - 2 thiếu niên tại Mỹ. Họ là nạn nhân của bạo lực học đường và quyết định giải thoát mình bằng cách tự tử.
Các chuyên gia tại Mỹ cho biết 1/3 thanh thiếu niên nước này bị ảnh hưởng bởi bạo lực học đường. Tình trạng này đã trở thành một mối đe dọa về sức khỏe thực sự gồm cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bạo lực học đường gây ra những thay đổi trong hệ thống phản ứng căng thẳng của não, ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và cảm xúc tự điều chỉnh của nạn nhân. Ngoài ra, bạo lực học đường gây ra lo lắng và trầm cảm, khiến nạn nhân mất ngủ, đồng thời gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, đau đầu.
Bà Randy Weingarten - Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Mỹ nói: "Trẻ em và thiếu niên là những đối tượng dễ tổn thương. Khi chúng bị bạo lực ở trường, chúng trở nên suy sụp".
Bà Megan Moreno - chuyên gia tâm lý cho biết: "Những nạn nhân của nạn bạo lực học đường có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 6 lần người bình thường".
Bản thân những đối tượng gây ra bạo lực học đường cũng bị tác động tiêu cực bởi hành vi của chính mình. Những người này cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm, có tâm lý kém, dần trở nên hung hãn và có nhiều khả năng tham gia vào các hoạt động có như phá hoại và trộm cắp. Lúc này, không chỉ nhà trường mà cả gia đình cần phải có sự quan tâm và tư vấn kịp thời.
"Con cái cần được tư vấn kịp thời từ cha mẹ ngay khi cha mẹ nhận thấy những thay đổi trong tâm lý hay hành vi của con mình. Nếu chúng nói với bạn chúng đang bị bắt nạt, đừng nghĩ là chuyện đó rồi sẽ qua. Hãy theo dõi và tìm hiểu sao điều đó lại xảy ra. Ngoài cha mẹ, nhà trường càng cần xem đây như một vấn đề nghiêm túc", bà Tricia Norman - một phụ huynh cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!