Mối lo chất lượng từ tự chủ tuyển sinh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 29/07/2019 15:57 GMT+7

VTV.vn - Quyền tự chủ cho phép các trường Đại học tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những mối lo về chất lượng nguồn tuyển sinh.

Trong lúc nhiều thí sinh đang nóng lòng chờ điểm chuẩn, hàng ngàn thí sinh khác đã nắm chắc suất vào đại học. Nếu năm 2018, trường Đại học Giao thông Vận tải chỉ sử dụng phương thức duy nhất là xét điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia thì năm nay, trường bổ sung thêm hình thức xét bằng học bạ cho khoảng 15 - 20% chỉ tiêu trúng tuyển.

Mùa tuyển sinh năm nay chỉ có khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia, 30% còn lại với gần 150.000 chỉ tiêu là xét tuyển bằng các phương thức khác.

Theo thống kê, hiện có khoảng 10 phương thức tuyển sinh trong năm nay. Chính vì thế, ngay cả khi chưa công bố kết quả thi tốt nghiệp,một số trường đã có danh sách trúng tuyển. Thậm chí, một số trường yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển sớm đã khiến kỳ xét tuyển Đại học trở thành cuộc đua bất bình đẳng.

Riêng việc xét tuyển học bạ tại mỗi trường lại mỗi khác: có trường xét tuyển kết quả của cả 3 năm học phổ thông, có trường xét điểm 2 năm học lớp 11 và 12, nhưng lại có nhiều trường chỉ xét kết quả của năm học lớp 12.

Sau những sai phạm gian lận thi cử tinh vi từ mùa thi trước nhiều người cũng nghi ngại về việc sẽ có những học bạ đẹp được dựng lên để vượt qua kỳ xét tuyển.

Trường rộng kênh xét tuyển không có nghĩa là thả cửa trong tuyển sinh. Thí sinh giảm áp lực thi cử không đồng nghĩa với giảm chất lượng đầu vào. Vấn đề kiểm soát chất lượng càng trở thành bài toán lớn đối với giáo dục đại học.

Trước việc nhiều trường đại học tuyển sinh không đúng quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển trước khi học sinh THPT được xét tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có công văn "tuýt còi" với những động thái này.

Theo đó, việc thông báo kết quả trúng tuyển Đại học chỉ được thực hiện khi người học đã tốt nghiệp THPT. Với những trường đào tạo khối ngành sư phạm, sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, việc tuyển sinh phải tuân thủ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với mọi phương thức xét tuyển, theo đúng quy chế tuyển sinh.

Công văn của Bộ gửi các trường cũng nêu rõ: Nếu các trường tự chủ tuyển sinh xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt năng lực, vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Mối lo ngại của các chuyên gia khi các trường tự chủ tuyển sinh càng có cơ sở hơn, khi ngay trước kỳ xét tuyển, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố quyết định và bắt đầu tiến hành công tác thanh tra đột xuất tại Trường Đại học Điện lực.

Nội dung thanh tra tập trung vào công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp bằng đối với khóa tuyển sinh 2013 - 2014. Trước đó, căn cứ trên đơn thư của cán bộ giảng viên nhà trường, báo chí đã phản ánh về dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh và đào tạo tại Trường Đại học Điện lực.

Siết chặt quyền tự chủ tuyển sinh với trường đại học Siết chặt quyền tự chủ tuyển sinh với trường đại học

VTV.vn - Trường nào có các vi phạm như kê khống số lượng giảng viên cơ hữu để tăng chỉ tiêu, tuyển sinh chui, mập mờ thông tin tuyển sinh sẽ bị cắt quyền tự chủ tuyển sinh 5 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước