Thay ủng ngay khi cách trại lợn hơn 500m, tiếp đó là thay ủng lần 2, mặc đồ bảo hộ, đi qua hệ thống phun thuốc sát trùng khi cách chuồng gần 300m, tại mỗi cửa chuồng là hố nước khử trùng, quy trình cách ly, khử trùng chặt chẽ gồm rất nhiều bước này là một trong những thay đổi lớn về phương thức chăn nuôi. Một hộ chăn nuôi đã thực hiện quy trình này ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở trang trại vào đầu tháng 5. Chủ hộ chăn nuôi này cho biết, ngoài những thay đổi về phương thức chăn nuôi, trang trại còn thực hiện tiêu hủy triệt để, đúng cách lợn bệnh với 3 bước lớn gồm: theo dõi, loại thải lợn bệnh; xử lý khu vực chuồng bệnh; bài thải mầm bệnh.
Đầu tháng 5, 18 con lợn của trang trại bị chết vì dịch tả châu Phi. Áp dụng đồng bộ các phương pháp, thực hiện an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học kháng khuẩn, kháng virus, dịch tả lợn châu Phi tại trang trại đã được khống chế. Toàn đàn chỉ chết thêm 2 con rồi dừng hẳn. Đến nay, đàn lợn phát triển khỏe mạnh, ổn định.
Mô hình khống chế dịch tả lợn châu Phi nói trên được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả tại cuộc họp về giải pháp sử dụng vaccine, các chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ là biện pháp tối ưu đảm bảo phát triển ổn định của ngành chăn nuôi lợn, không chỉ trước dịch tả lợn châu Phi mà còn với các dịch bệnh khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!