Xử lý rác thải sinh hoạt như thế nào đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương hiện nay, khi lượng rác thải ngày càng nhiều nhưng công nghệ xử lý vẫn chưa thể đáp ứng được thực tế.
Sau nhiều năm thực hiện công nghệ chôn lấp rác, gây ô nhiễm mùi hôi nghiêm trọng, TP.HCM cũng vừa mới có đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác đến năm 2020. Dự kiến, 50% lượng rác ở thành phố sẽ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện để áp dụng phương pháp này.
Điều này có thể nhìn thấy rõ qua sự cố hàng trăm nghìn tấn rác từ đồi cao tràn xuống thung lũng diễn ra khoảng 3 tuần trước tại bãi rác Cam Ly, thành phố Đà Lạt. Với địa hình dốc đứng và khối lượng rác tràn xuống khổng lồ, chính quyền địa phương quyết định phương án xử lý chôn lấp tại chỗ, nghĩa là sẽ san gạt toàn bộ rác tràn xuống khu vực đất sản xuất của các hộ dân đang canh tác tạo mặt bằng, sau đó khai thác đất tại chỗ để san lấp, rồi tiến hành trồng cây xanh.
UBND TP Đà Lạt cũng đã khảo sát để xây lại bờ kè nhằm ngăn chặn bãi rác Cam Ly tiếp tục đổ xuống thung lũng. Ngoài ra, địa phương sẽ nghiên cứu làm kè chắn ở hạ nguồn để ngăn rác không chảy tiếp, sau đó xây thêm một kè ngăn nước rỉ.
Tuy nhiên, hiện lượng rác đang nằm tại bãi rác Cam Ly là rất lớn, nguy hiểm hơn là sau sự cố sạt lở hàng trăm nghìn tấn rác đang nằm lộ thiên, liệu phương án chôn lấp rác tại chỗ địa phương này đưa ra có thực sự phù hợp, đảm bảo an toàn môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!