Dù điểm khai thác gỗ chỉ cách đơn vị bảo vệ rừng vài trăm mét, nhưng sự việc trên không được kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ghi nhận tại khu vực rừng tự nhiên thuộc xã Điền Thượng vừa bị lâm tặc tàn phá, hàng chục cây gỗ thuộc nhiều chủng loại với đường kính lớn nhỏ khác nhau nay chỉ còn trơ gốc. Lợi dụng việc khai thác keo của Công ty Lâm Nghiệp Cẩm Ngọc ở sát bên cạnh. Những cây gỗ lớn đã bị chặt hạ, đưa ra khỏi rừng dưới vỏ bọc cây keo mà không ai hay biết.
Trong tổng số 86 cây gỗ bị chặt hạ tại khu vực xã Điền Thượng, cây gỗ lớn nhất có đường kính thân lên đến gần 2m. Phải mất hàng chục năm,một cây gỗ mới có thể sinh trưởng và phát triển lớn như thế này, tuy nhiên chỉ trong tháng 11, các đối tượng lâm tặc đã chặt hạ và đưa toàn bộ số gỗ này ra khỏi rừng. Đáng nói, khu vực này chỉ cách đơn vị quản lý, bảo vệ rừng khoảng 500m.
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ, đưa ra khỏi rừng.
Hơn 25m khối gỗ bị chặt hạ đều thuộc chủ rừng là những cơ quan nhà nước như Công ty Lâm Nghiệp Cẩm Ngọc và ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Thời điểm phá rừng trùng với thời điểm đơn vị này khai thác cây keo, việc vận chuyển lại diễn ra ngay trước mắt lực lượng bảo vệ rừng khiến lãnh đạo xã Điền Thượng không khỏi nghi ngờ có sự liên quan của những đơn vị này
Cách đó không xa, tại khu vực Thung Chấn cũng có 17 cây gỗ bị chặt hạ, toàn bộ số gỗ này lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi rừng mà mới chỉ cắt khúc, vứt ngổn ngang khắp nơi. Nhiều cây gỗ vẫn còn mắc lơ lửng giữa tán rừng. Với thủ đoạn cắt thành từng đoạn nhỏ, dài khoảng 80cm, lâm tặc có thể dễ dàng dùng xe máy vận chuyển gỗ ra khỏi rừng để tránh sự truy quét của cơ quan chức năng. Dù không phải gỗ có giá trị cao, thế nhưng theo lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện Bá Thước, 1m khối gỗ bán cho các lò đốt than, lâm tặc cũng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Dù huyện Bá Thước đã từng áp dụng những hình thức kỷ luật cao nhất như cách chức Chủ tịch UBND xã Lũng Cao vì để người dân trong xã chặt hạ 1 cây gỗ rừng vào năm 2018, thế nhưng trước tình trạng lâm tặc hoành hành vào dịp cuối năm như hiện nay, lãnh đạo huyện cho biết đang tiến hành làm rõ trách nhiệm và tiếp tục xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để mất rừng.
Bá Thước là một trong số ít những huyện miền núi Thanh Hóa còn giữ được tới 55.000ha rừng, trong đó có tới 2/3 là rừng tự nhiên. Thế nhưng, với tốc độ chặt phá hàng trăm cây rừng chỉ trong vòng hơn 1 tháng như hiện nay, nếu không có biện pháp quản lý chặt thì không bao lâu nữa, hàng chục nghìn ha rừng xanh sẽ chỉ còn lại những khoảng trống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!