Cho rằng phía bệnh viện đã lập hồ sơ khống, ông Đức (phường Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) kiên quyết không ký tên vào tờ xác nhận. Mong mọi chuyện được rõ ràng, ông Đức đã quay trở lại bệnh viện thắc mắc thì vị trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện cho rằng do lỗi phần mềm hệ thống kê khai hồ sơ số liệu.
Tuy nhiên, những thông tin trên phiếu thuốc và vật tư y tế chắc chắn không phải do lỗi phần mềm. Vì ở đây, danh sách các loại thuốc và số lượng thuốc điều trị đã được viết bằng tay, kê khai theo từng ngày. Thậm chí, ghi rõ cả ngày ra viện và vào viện. Vì không lý giải nổi tại sao lại có chuyện như vậy nên vị trưởng khoa này chỉ một mực xin bệnh nhân thông cảm.
Vì nằm trong diện được bảo hiểm y tế thanh toán 100% viện phí điều trị nên ông Đức cho rằng, nếu không phát hiện kịp thời, rất có thể, toàn bộ số tiền điều trị mà bệnh viện đã kê khống sẽ được thanh toán với bảo hiểm xã hội. Theo ông Đức, đây không phải là lần đầu tiên gặp trường hợp này. Cách đây 1 năm, ông đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên xin xác nhận chuyển tuyến dù không điều trị nội trú nhưng phía bệnh viện vẫn kê khai tiền giường, thuốc dịch truyền và vật tư y tế với tổng số tiền lên đến hơn 700.000 đồng.
Hiện tại, mỗi ngày tại bệnh viện này có hàng trăm lượt bệnh nhân tới thăm khám và điều trị hưởng chế độ thanh toán chi phí với bảo hiểm xã hội. Vậy có hay không những trường hợp tương tự như ông Đức? Những nghi vấn về việc lập hồ sơ khống để thanh toán bảo hiểm xã hội tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!