Theo thống kê tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 6/8, trong 5 tháng đầu năm nay, 682 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện trên cả nước, trong đó, hơn 20% là bởi người trong gia đình và gần 60% do người quen, hàng xóm.
Một phần vì nạn nhân hay gia đình bị hại e ngại, sợ mọi người biết, một phần khác, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là điều không đơn giản do liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại. Nếu làm đúng quy định, vụ việc lại vô tình gây tổn thương thêm cho trẻ.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng nên áp dụng biện pháp khác nhằm giảm thiểu vấn đề này như triển khai tòa án thân thiện với trẻ em trong các vụ việc xét xử có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên để phù hợp với tâm sinh lý trẻ em. Còn đối với tội phạm, có đề xuất phải ban hành chế tài nghiêm khắc hơn nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm như "thiến hóa học".
Tuy nhiên, dù có áp dụng biện pháp nào, nỗi đau vẫn là con trẻ phải gánh chịu. Vì thế, cách hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng này là cha mẹ nên dành thời gian để mắt tới con cái nhiều hơn, đồng thời, tâm sự và dạy trẻ cách tự bảo vệ mình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!