Nhà văn hóa luôn được xem là một phần không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cả nước, số lượng trung tâm văn hóa cơ sở (cấp xã - phường, thôn…) hiện lên đến hàng chục nghìn, thế nhưng hoạt động của các cơ sở này cho đến nay vẫn chưa phát huy được vai trò của nó.
Hiện trạng nhà văn hóa thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Nhà văn hóa nằm ngay vị trí trung tâm thôn nhưng người dân thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội chưa bao giờ được hưởng một không gian sinh hoạt văn hóa đúng nghĩa trong suốt thời gian dài do những khúc mắc về quyền sử dụng diện tích đất xây dựng nhà văn hóa mãi chưa thể giải quyết.
May mắn hơn, tổ dân cư số 5, phường Đồng Mai, Hà Đông, đã có không gian sinh hoạt văn hóa của riêng mình, dù cơ sở này mất tới 6 năm để đưa vào hoạt động nhưng trong tình trạng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Thế nhưng, ngay cả khi đưa vào hoạt động với số tiền đầu tư lên đến gần 8 tỷ đồng, chất lượng, hiệu quả của các sinh hoạt văn hóa tổ chức ở đây vẫn khá hạn chế, chủ yếu là họp ban ngành đoàn thể, sinh hoạt văn hóa tập thể gần như vắng bóng.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội, hơn 80% thôn ngoại thành và gần 30% tổ dân phố nội thành có nhà văn hóa. Đáng nói, điều kiện vật chất chưa đảm bảo do thiếu vốn, thiếu các hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể dài hạn, quy mô lại là thực trạng của nhiều nhà văn hóa cơ sở.
Khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, gần 40% nhà văn hóa tổ dân phố chỉ thực hiện hoạt động mỗi tháng một lần. Khi hè tới, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tăng cao cũng là lúc tại nhiều thôn, xã, người dân, đặc biệt là những đứa trẻ tiếp tục chờ có được một không gian văn hóa đúng nghĩa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!