Dự luật mới nhằm bảo vệ môi trường biển và buộc các công ty trên thế giới phải chịu chi phí xử lý cũng như tái chế rác thải nhựa.
Đĩa nhựa, ống hút, dao dĩa dùng một lần... là ít trong số những sản phẩm sẽ không còn được xuất hiện tại châu Âu trong 2 năm tới. Rất nhiều nhà hàng tại đây đã dần tiếp nhận sự thay đổi này.
Dù châu Âu không phải là nguồn ô nhiễm nhựa tồi tệ nhất, nhưng bộ luật tiên phong này có thể đóng vai trò là mô hình kiểu mẫu cho thế giới.
Tuy nhiên, phía Liên đoàn các nhà sản xuất đồ nhựa châu Âu cho rằng luật này sẽ gây trở ngại cho việc đầu tư tìm kiếm những phương thức tái chế mới và có khả năng sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm trên 3 tỷ Euro cho việc chuyển đổi sang các vật liệu thay thế.
Báo cáo của công ty kiểm toán môi trường Trucost ước tính, chi phí môi trường có thể cao hơn gấp 5 lần nếu ngành công nghiệp thức uống thay thế chất liệu bao bì thành thủy tinh, thiếc hay nhôm thay vì sử dụng nhựa. Chi phí này sẽ được chuyển giao sang thuế hoặc chi phí đè lên vai người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp.
Nhóm hơn 40 công ty bao gồm những cái tên nổi tiếng với việc sử dụng bao bì, đồ nhựa như: Coca-Cola, Unilever và Procter & Gamble đã cam kết cắt giảm số lượng nhựa mà họ sử dụng và vứt bỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!