Dư luận Nga cho rằng, sự hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga là bước đi tất yếu trong chiến lược hướng Đông của khối này với chính sách hai mặt trong quan hệ với Nga, đó là kiềm chế nhưng vẫn tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại với Nga.
Về việc NATO tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của khối ở các nước Đông Âu mang tính phòng thủ, ông Morozov, thành viên Ủy ban Quốc tế Thượng viện Nga cho rằng, Nga không được phép tin vào những tuyên bố của NATO khi khối này xây dựng các cơ sở hạ tầng ngay sát biên giới Nga, không chỉ triển khai các thiết bị chống tên lửa mà còn có thể triển khai vũ khí hạt nhân.
Ông Lebedev, phó Chủ tịch Hạ viện Nga cho rằng NATO dùng các nước cận Baltic để tạo sức ép về chính trị quân sự đối với Nga, giảm thiểu ảnh hưởng của Nga đến các quốc gia khác. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban quốc tế Thượng viện Nga ông Kosachev cho rằng, toàn bộ các quyết định của NATO xuất phát từ logic của thời “chiến tranh lạnh” ai mạnh hơn người đó được an toàn hơn. Ông Kosachev nhấn mạnh, NATO đang đổ bê tông cho bức tường thứ 2 tại châu Âu sau bức tường Berlin năm nào.
Tựu chung, dư luận Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của NATO coi đó là nguy cơ đe dọa an ninh của Nga. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, Nga sẽ không sử dụng tiềm năng hạt nhân của mình trước, mà chỉ để đáp trả trong trường hợp cần thiết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!