Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cho rằng, trạm thu phí quá dày đã khiến cho gánh nặng chi phí tăng lên, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Phí vận tải từ Bình Phước tới cảng Cát Lái - TP.HCM cao gấp 4 lần so với phí vận tải từ cảng Cát Lái đi Thượng Hải, Trung Quốc, trong khi quãng đường chỉ bằng khoảng 1/30.
Cuộc họp cũng chưa tìm được tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp và tỉnh bởi UBND tỉnh Bình Phước vẫn giữ quan điểm không dời trạm, không giảm phí.
Cứ khoảng 20km lại có một trạm thu phí án ngữ trên con đường huyết mạch từ Bình Phước về TP.HCM. Có tới 6 trạm thu phí cho một đoạn đường dài 120km và mỗi lượt xe qua đây mức phí thấp nhất là 15.000 đồng. Như vậy, mỗi một chuyến xe vừa đi vừa về sẽ mất khoảng 180.000 đồng. Mức phí này tương đương với tiền dầu của chuyến xe đó.
Bà Hoa (xã Thuận Phú, Đồng Phú, Bình Phước) ở gần trạm thu phí rất bức xúc, vì mỗi ngày bà đi chợ cũng phải qua 2 trạm thu phí, tốn mất khoảng 70.000 đồng.
"Từ Đồng Xoài đi lên Phước Long, chưa được 50km mà mở 2 trạm thu phí, rõ ràng không hợp lý", bà Hoa nói.
Mức phí trên còn cao hơn nhiều lần đối với trường hợp xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp. Anh Tuyển - lái xe container từ Bình Phước đi Bình Dương qua 4 trạm thu phí, mỗi trạm giá vé thấp nhất là 90.000 đồng/lượt. Một chuyến vừa đi vừa về, anh cũng tốn khoảng 800.000 đồng.
Anh Tuyển nói: "Cung đường ngắn mà mức vé thu như vậy là chi phí nhiều quá".
Ông Võ Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp nhỏ và vừa Bình Phước cho hay: "Chưa có lời giải cho vấn đề tháo gỡ BOT dày đặc. Nói thật là quá mức chịu đựng của doanh nghiệp".
Cũng theo ông Thuận, một sản phẩm được sản xuất tại Bình Phước sẽ phải chịu ít nhất 24 lần phí BOT, nên khó có thể cạnh tranh với những địa phương khác, nhất là các sản phẩm làm từ nông nghiệp. Theo quy định của Bộ GTVT, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí là 70km, nhưng tỉnh Bình Phước vẫn khẳng định, khoảng cách đặt trạm hiện hữu là đúng quy định.
"Khoảng cách đặt trạm là đúng, hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các anh về cơ sở pháp lý", ông Nguyến Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao Thông, Vận Tải tỉnh Bình Phước khẳng định.
Về vấn đề trạm thu phí, vào tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước rà soát toàn bộ các dự án giao thông BOT thuộc thẩm quyền tỉnh phê duyệt, để điều chỉnh mức giá dịch vụ thu phí, thế nhưng đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!