Theo Phòng công chứng số 1 TP.HCM, dựa trên quy định về quyền tài sản và hợp đồng gửi giữ tài sản với bệnh viện, người thân có thể xin khai nhận và hưởng thừa kế đối với tinh trùng đã gửi tại bệnh viện để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho người khác. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là tại Điều 3 Nghị định 10/2015 có quy định, việc cho và nhận tinh trùng, phôi được thực hiện theo nguyên tắc vô danh, người cho và người nhận không biết nhau. Do đó, để có thể thực hiện theo nguyện vọng nhận lại tinh trùng trong trường hợp này, quy định trên cần phải được sửa lại.
Chương trình Chuyển động 24h đã phản ánh về câu chuyện của những gia đình gặp khó khăn khi muốn sử dụng tinh trùng của người thân được gửi ở bệnh viện khi người thân của họ chẳng may qua đời. Một số bệnh viện đã từ chối trả lại hoặc điều trị thụ tinh trong ống nghiệm với lý do cần có văn bản xác nhận công chứng quyền thừa kế.
Từ năm 2015, các phòng công chứng đã thực hiện việc công chứng, chứng thực những hợp đồng và thỏa thuận về việc mang thai hộ. Tuy nhiên, đối với trường hợp người độc thân, chưa kết hôn có gửi giữ tinh trùng, noãn tại các bệnh viện, người dân vẫn phải chờ ý kiến hướng dẫn của cơ quan tư pháp. Theo một số công chứng viên, trong trường hợp người chồng đã kết hôn mà qua đời, người vợ hoàn toàn có thể thực hiện yêu cầu thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người chồng mà không cần khai di sản thừa kế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!