Nhiều người dù bất bình trước hiện tượng lạ đời, coi thường pháp luật nhưng cũng không biết làm cách nào, trong khi đó, chính quyền một số địa phương tỏ ra lúng túng khiến cho tình hình an ninh - trật tự trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết…
Hành xử theo kiểu xã hội đen: Mạnh được, yếu thua
Tại huyện EA H'Leo, tỉnh Đăk Lăk, tình trạng chiếm đất kiểu xã hội đen xảy ra như cơm bữa. Hàng chục ngàn ha đất rừng của người dân bỗng dưng bị người khác đến chiếm đoạt. Không chỉ ngăn cản, đe dọa, đám người này còn ngang nhiên diệt cỏ, trồng luôn cây trên diện tích đất chủ rừng vừa dọn. Ngay cả chốt bảo vệ đất rừng, cứ dựng chốt lên là bị đốt, bị đe dọa nên không bảo vệ nào dám trụ lại đây.
Ở Đồng Nai, để bao chiếm đất, những thanh niên xăm trổ mang theo hung khí đe dọa, khủng bố tinh thần, ép người dân phải nhượng bộ trước thái độ hung hãn của mình. Mới đây nhất, tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Người dân ở khu đất được Nhà nước cho thuê vẫn chưa hết bàng hoàng khi bỗng nhiên có một nhóm người tự xưng là người của một doanh nghiệp đến đập phá nhà cửa, hủy hoại diện tích hoa màu của 6 hộ dân đang canh tác tại đây. Vụ việc chỉ dừng lại sau khi có sự xuất hiện của công an phường.
Đó chỉ là một vài vụ trong số hàng trăm vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây. Đa số các vụ việc vẫn chưa được giải quyết, người dân sống trong nỗi thấp thỏm lo âu. Những tập đơn thư kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng ngày một dầy thêm. Những mảnh giấy được cấp mấy chục năm đã mờ nhạt theo thời gian để chứng minh đất của mình giờ là hy vọng cuối cùng.
Phía sau các "bản án luật rừng"
Cỏ dại mọc đầy trên diện tích đất đột nhiên biến thành tranh chấp. Bà Nguyễn Thị Lần (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết, không còn lòng dạ nào để chăm sóc cây trồng sau khi bị người ta đe doạ cắt cổ nếu tiếp tục làm. Cả tháng qua, bà Lần và 6 hộ dân ở đây cố lục tìm chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất của mình là hợp pháp. Trong đó, có những tờ giấy viết tay có cách đây hàng chục năm. Lo sợ mất đất, họ lại tiếp tục tìm đến người đại diện chính quyền trước đây để có câu trả lời.
Bà Dân ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, mảnh đất mình mua để canh tác hoa màu đã hơn 20 năm nhưng khi đang làm đơn xin cấp sổ đỏ thì bất ngờ bị các đối tượng lạ mặt đến ép bán với giá rẻ.
Ở Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, không chỉ có gia đình bà Dân là nạn nhân mà còn có rất nhiều gia đình khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Công an huyện Trảng Bom cũng xác nhận đây là thủ đoạn mới đang diễn ra khá phổ biến tại địa phương.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ và tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, tại địa bàn các tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu và các tỉnh Tây nguyên có hàng trăm vụ khiếu nại tố cáo liên quan đến tranh chấp đất rừng. Đặc biệt, có gần 20 vụ tranh chấp bằng thủ đoạn mới, giải quyết theo băng nhóm, phá tài sản đe dọa người dân để lấy đất theo kiểu mạnh được yếu thua.
Các đối tượng côn đồ ngang nhiên hoạt động, người dân vì yếu thế mà chỉ biết uất ức. Vậy việc lập hồ sơ quản lý, xử lý đất đai như thế nào đã dẫn đến tình trạng này? Các đối tượng đã dùng thủ đoạn gì để chiếm đất đẩy người dân đến tình trạng uất ức mà chưa có lối thoát?
Có hay không sự buông lỏng quản lý đất đai?
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hàng chục vụ tranh chấp có tính chất lưu manh, côn đồ đã xảy ra. Công an Đồng Nai cho rằng, có sự móc nối giữa các đối tượng với người dân địa phương.
Cũng theo cơ quan chức năng, đa số trường hợp dẫn đến hành vi côn đồ, coi thường pháp luật là lợi dụng những trường hợp đất rừng do người dân tự khai phá nên một số kẻ xấu dùng thủ đoạn để biến đất không tranh chấp thành tranh chấp.
Còn tại Thành phố Phan Thiết, đã nhiều tháng qua, vụ tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp dẫn đến việc một nhóm đối tượng đến đập phá hoa màu, nhà cửa của người dân vẫn chưa có lời giải.
Lý giải cho vấn đề tại sao có chuyện các đối tượng lại có giấy tờ đất rồi ngang nhiên mang giấy tờ đến uy hiếp, tìm cách chiếm dụng đất của người dân, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thẳng thắn nhận định đó chính là những bất cập tồn tại.
Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn chỉ đạo các huyện tập trung tăng cường công tác quản lý đất đai, kịp thời xử lý các trường hợp chuyển nhượng trái phép đất đai, sớm tìm cách ngăn chăn tình trạng như thế này diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!