Những chuyện thiếu công bằng xảy ra tại một số trường học thời gian qua tưởng chừng đã lắng xuống, nhưng một lần nữa, chúng lại được dấy lên trong Hội nghị về Quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo, diễn ra cách đây một tuần tại thủ đô Hà Nội.
Dân chủ trong giáo dục là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người, khuyến khích mọi người cống hiến, tự trọng trong mọi việc làm của mình. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng qua, một loạt vụ việc liên quan đến vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc dân chủ trong nhà trường đã bị chính những người trong cuộc lên tiếng. Với sự hỗ trợ của báo chí và mạng xã hội, những vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý như: vụ việc tại Trường THCS Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội; hay vụ việc bé gái 4 tuổi bị bỏ quên tại trường mẫu giáo ở Mỹ Đức, Hà Nội...
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc thành lập hội đồng trường là cách để kiểm soát các cam kết, thực hiện quy định của nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 16 cơ sở đại học do Bộ GD&ĐT quản lý thành lập được hội đồng trường và nhiều hội đồng trường cũng chưa phát huy được vai trò.
Khi nhắc về dân chủ trong trường học, không thể bỏ qua vai trò giám sát của quần chúng, cụ thể ở đây là giáo viên nhà trường và phụ huynh học sinh. Chính các em học sinh cũng hoàn toàn có thể nêu cao vai trò của mình tại trường học. Để học sinh dám lên tiếng, để học đường là nơi dân chủ, thì trước hết, chính trường học phải là môi trường thân thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!