Chúng ta thường nghe thấy thông điệp ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính. Vậy như thế nào là nhũng nhiễu, gây phiền hà? Với người dân, trong một số trường hợp, nhũng nhiễu, gây phiền hà chỉ đơn giản là từ câu nói của cán bộ: "Cứ theo quy định mà làm".
Mới đây, UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng có nhận phản ánh từ công dân Trần Công Ba (trú tại địa phương) về việc bị làm khó khi đến UBND phường Tân Chính làm thủ tục đổi tên cho con. Cụ thể, ông Ba xin làm thủ tục đổi tên cho con vì bị trùng với tên em ruột của ông ngoại. Lần đầu, cán bộ hộ tịch Trần Hoài Nam yêu cầu ông Ba làm giấy xác nhận bị trùng tên và phải có trưởng tộc, cơ quan thẩm quyền ký xác nhận.
Sau khi hoàn thành, vợ ông Trần Công Ba mang giấy xác nhận đến thì ông Nam yêu cầu làm thêm mẫu đơn do ông cung cấp. Đến lần ba, vợ ông Ba nộp đơn thì ông Nam nói thiếu chữ ký người chồng. Lần thứ tư, khi mẫu đơn hoàn thành, cán bộ lại cho rằng trong đơn thiếu thông tin người trùng tên đã mất.
Sau đó, ông Trần Hoài Nam đã nhận sai sót và UBND phường yêu cầu ông này làm kiểm điểm. Đồng thời, Thường trực UBND phường thống nhất điều chuyển vị trí công việc tiếp dân tại bộ phận một cửa đối với ông Trần Hoài Nam.
Qua đây cũng là bài học cho cán bộ hành dân, đồng thời cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh nhớ chú ý đến gia phả trước khi chọn cho con mình một cái tên. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương là thấm thía nỗi đau này nhất. Chị Phương tới chi nhánh của ngân hàng để đăng ký mở tài khoản để làm thẻ ATM nhưng không thể ra thẻ do tên thì quá dài trong khi kích thước thẻ có giới hạn. Vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì bị chọc ghẹo từ nhỏ, chị Phương quyết tâm lên Ủy ban để cắt ngắn cái tên của mình.
Thế nhưng, suốt một tháng trời, đi từ xã lên huyện rồi cấp tỉnh, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương không thể cắt ngắn tên vì vướng quy định: Tên phải xấu mới được sửa. Cán bộ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai giải thích, tên của chị Phương không xấu và nói rằng chừng nào cái tên gây ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm hay gây trầm cảm thì mới đổi được.
Trong một số tình huống, có xử lý theo quy định hay không lại gây nhiều tranh cãi nhất là liên quan đến một tài sản có giá trị lớn. Thời gian gần đây, mật độ xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng nhiều, len lỏi vào nhiều sản phẩm hàng hóa. Ấn phẩm du lịch, quả địa cầu, hay giáo trình sinh viên có "đường lưỡi bò" đều ngay lập tức bị cấm lưu hành hay là tiêu huỷ nhưng nếu đó là một chiếc xe 4 tỷ thì lại là chuyện khác.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách khẳng định, những hàng hóa vi phạm về chính trị, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta cần cương quyết thu hồi hoặc hủy bỏ. Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Hướng cho rằng, rất khó xung công chiếc xe Volkswagen Touareg sau khi thu giữ bởi giá trị của chiếc xe vượt quá quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công. Còn tịch thu, xung công rồi tổ chức bán đấu giá thì có thể xảy ra nguy cơ xe chiếc bị bán với giá rẻ hơn so với giá trị thực tế.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định nếu phần mềm trong sản phẩm phản ánh sai bản đồ Việt Nam thì phải tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. Cuối cùng, Tổng cục Hải quan quyết định tịch thu xe Touareg nhưng không tiêu hủy để "tránh lãng phí".
Không chỉ có người dân, cán bộ, mà ngay cả Bộ trưởng cũng cảm thấy có những quy định rất phiền hà. Mới đây, một trong những vấn đề được đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là những bất cập về quy định văn bằng, chứng chỉ trong thi nâng ngạch, thăng hạng. Những quy định này khiến nhiều cán bộ công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất và gây tốn kém. Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, qua dư luận, ông cũng thấy quy định về văn bằng, chứng chỉ rất phiền hà.
Tuần qua, ngoài những vấn đề xử lý đúng quy định, khó đúng quy định, lợi dụng quy đình thì còn một sự việc xử lý sai quy định. Trong vụ việc nhà trường kỷ luật nam sinh vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc, nếu chiếu Nghị định 56 về quyền trẻ em quy định về "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" thì BGH nhà trường đã tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của nam sinh lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ. Ngoài ra, không bảo đảm an toàn thông tin của nam sinh đó cũng vi phạm nghiêm trọng luật trẻ em về "Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng". Xử phạt theo cảm tính, sai quy định, gây tác dụng ngược, cần có cả hình thức kỷ luật đối với những người xử lý kỷ luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!