Sau khi được chữa khỏi COVID-19, bà Aleacia Jenkins (42 tuổi, một bệnh nhân người Mỹ) đã không ngần ngại gật đầu khi được hỏi xin mẫu máu để giúp các nhà khoa học phát triển xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên sự nhiệt tình này đã nhanh chóng bị dập tắt, khi chủ nhân của nó phát hiện ra rằng mẫu máu hiến của mình đã trở thành một món hàng trên thị trường, thậm chí có giá cắt cổ.
Theo những tài liệu, email và đơn giá do tờ Thời báo New York điều tra, Cantor BioConnect có trụ sở tại California, Mỹ, là một trong số những công ty đang chào bán các mẫu máu có kháng thể chống SARC-CoV-2 cho các phòng thí nghiệm và nhà sản xuất xét nghiệm, với mức giá không tưởng. Các mẫu máu càng có nhiều kháng thể, giá càng cao.
350 USD (tương đương 8,2 triệu đồng) cho 1 mẫu máu của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi, là mức giá được Cantor BioConnect chào bán cho các phòng thí nghiệm và nhà sản xuất thiết bị xét nghiệm. Tuy nhiên, giá cả leo thang từng ngày. Từ ngày 31/3 - 22/4, giá của 1ml máu (chưa đầy ¼ thìa trà) đã tăng hơn 40%, lên mức 500 USD. Tuy nhiên đó mới chỉ là mức giá rẻ nhất. Còn với những mẫu máu hiếm, giá có thể lên tới 40.000 USD/mẫu, tức gần 940 triệu đồng.
Trước tình hình một số công ty thu thập máu hiến tặng, sau đó đem bán với giá trên trời, các chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích rằng đây là hành vi trục lợi trong thời kỳ dịch bệnh để kiếm lời. Giám đốc công ty sản xuất xét nghiệm Mologic tại Anh đã phải thốt lên rằng: "Đó là những đồng tiền kiếm được trên nỗi chịu đựng của người khác".
Vậy tại sao những mẫu máu này bị thổi giá cao như vậy? Theo lý giải từ tờ Thời báo New York, nguyên nhân được xác định là là do thiếu các mẫu máu có chứa kháng thể chống virus SARC-CoV-2, trong bối cảnh các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua phát triển và sản xuất hàng loạt thiết bị xét nghiệm kháng thể đáng tin cậy, được xem là yếu tố quan trọng cho việc quyết định có dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa hay không?
Cụ thể tại Anh, do chậm tiến hành xét nghiệm, nước này chỉ có một số lượng nhỏ các mẫu máu chứa kháng thể của những bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19.
Thông thường, các mẫu máu được Dịch vụ Y tế công của Anh (NHS) cung cấp cho các phòng thí nghiệm và bệnh viện với mức giá thấp. Điều này trái ngược với thị trường tư ở Mỹ, tức hệ thống y tế của Anh không được thiết kế để phân phối mẫu máu cho một mạng lưới lớn các phòng thí nghiệm và nhà sản xuất xét nghiệm, khiến nhiều đơn vị trong số đó phải tự mình lo liệu.
Các nhà kinh doanh đã lợi dụng điều này để bán những mẫu máu hiến từ nước khác vào Anh. Họ làm điều đó một cách hợp pháp, bởi quy định của Anh chỉ cấm bên thứ 3 kiếm lợi nhuận trên các mẫu máu có nguồn gốc từ NHS.
Tâm lý muốn sớm mở cửa trở lại cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhu cầu xét nghiệm kháng thể, theo báo cáo của Reuters. Một số công ty đã lợi dụng điều này để làm loạn giá các mẫu xét nghiệm chứa kháng thể, vốn phục vụ cho việc nghiên cứu xét nghiệm.
Tại Mỹ, sự đình trệ của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao và tâm lý muốn mau chóng trở lại cuộc sống bình thường đã góp phần khiến việc kinh doanh mẫu máu và xét nghiệm kháng thể bùng nổ.
Cantor BioConnect không phải công ty duy nhất chào bán mẫu máu chứa kháng thể COVID-19 với cái giá trên trời. Những cái tên khác được nhắc đến còn có Tissue Solutions của Anh hay Advy Chemical của Ấn Độ. Những công ty này phản hồi rằng "giá cao" là do chuỗi cung ứng, bao gồm tìm người hiến, xét nghiệm mẫu, các chi phí đảm bảo an toàn và khâu vận chuyển.
Tuy nhiên, những lời giải thích này lại không thuyết phục được bà Jenkins. Sau khi biết thông tin mẫu máu hiến của mình do công ty Cantor BioConnect thu thập được bán với mức giá bao nhiêu, bà đã quyết định không liên quan tới vụ việc này và thay vào đó, hiến máu cho một bệnh viện phi lợi nhuận ở Seattle.
Hiện chưa có xác nhận nào từ phía nhà chức trách các nước về việc có hay không có hành vi trục lợi từ việc bán mẫu máu hiến tặng của bệnh nhân COVID-19. Sau khi thông tin được công khai, nhiều người cũng sẽ có quyết định như bà Jenkins, là tìm một nơi thực sự đáng tin cậy để đóng góp những giọt máu quý giá và công sức của mình trong cuộc chiến chống COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!