Trong ngày hôm qua (8/4), truyền thông đã đề cập đến 2 lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội. Thứ nhất là việc tiếp đón người bệnh tại các bệnh viện còn sơ hở và thứ hai là việc hiểu sai chỉ đạo về thời gian cách ly. Trên thực tế vẫn còn 1 lỗ hổng thứ ba là ý thức của người dân và trách nhiệm của những cửa hàng bán thuốc tư nhân khi thói quen của đại bộ phận người dân Việt Nam là tự đi mua thuốc mỗi khi cơ thể có những triệu chứng nào đó về sức khỏe.
Lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân 243, ngày 21/3, tức là 9 ngày sau khi đưa vợ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân thấy sốt và đau mỏi người nên tự mua thuốc cảm cúm về uống và thấy đỡ nên sau đó đã tiếp tục những sinh hoạt khác của mình.
Một trường hợp khác là bệnh nhân số 20, lái xe của bệnh nhân số 17. Trong bài phỏng vấn đăng tải trên báo điện tử VnExpress, khi xuất hiện triệu chứng ho và sổ mũi, anh này đã tự mua thuốc cảm cúm về uống. Sau khi uống, những cơn ho, sổ mũi đã đỡ và do nghĩ mình chỉ cảm cúm thông thường nên anh này lại tiếp tục các hành trình sinh hoạt của mình mà không hề biết là mình bị nhiễm COVID-19.
Theo các chuyên gia, những liều thuốc giảm đau, hạ sốt sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người bệnh không biết mình bị nhiễm COVID-19, vẫn sinh hoạt bình thường trong cộng đồng. Vì vậy, số lượng người tiếp xúc F1 không ngừng gia tăng. Cùng với đó, bệnh nhân tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm khi nhập viện muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị và có thể xảy ra nhiều biến chứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!