Từ đầu năm đến nay, cả nước có tới 24 người mắc, trong đó có 4 người tử vong. Trong tuần qua, cơ quan y tế lại phát hiện thêm một người đàn ông 61 tuổi ở Hà Tĩnh và 3 bệnh nhi ở Nghệ An dương tính với Whitmore.
Thông tin khiến nhiều người không khỏi lo lắng, khi mà sau thời gian dài bệnh không xuất hiện, trong khi đó, không ít người chưa biết cách phòng tránh và thậm chí có cả cơ quan y tế cũng chẩn đoán nhầm.
Một bệnh nhân 49 tuổi nhập nhập viện trong tình trạng sốt cao, cảnh mũi tổn thương nặng, đau nhức… Theo kết quả cấy mủ tại vết thương, cấy máu cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Withmore. Tuy nhiên, tại cơ sở y tế tuyến dưới, chị bị chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng huyết do tụ cầu.
Nếu như giai đoạn 5-10 năm trước, chỉ có khoảng 20 ca mắc Whitmore thì hiện nay, căn bệnh này có xu hướng gia tăng bất thường. Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay, số ca vào điều trị đã lên tới gần 20 ca, trong đó 4 ca đã tử vong. Đáng lo ngại là bệnh Whitmore thường bị phát hiện muộn do chẩn đoán nhầm. Hiện chỉ có khoảng 5-10% số bệnh nhân mắc được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Vi khuẩn Withmore thường sống trong đất, nước, dễ lây qua các xây xước ngoài da, niêm mạc hoặc hít bụi từ đất chứa vi khuẩn. Bệnh dễ xuất hiện ở bệnh nhân có các bệnh nền như đái tháo đường, thận, phổi…
Cơ quan y tế khuyến cáo, nếu xuất hiện triệu chứng đau, sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe tại vị trí nhiễm trùng, đau đầu, co giật, đau ngực kèm ho, chán ăn, khó chịu ở bụng, đau dạ dày, sút cân..., người bệnh cần lưu ý tới bệnh Withmore để được điều trị kịp thời .
Cũng theo các bác sĩ, biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt, đặc biệt là lao động nông nghiệp hay tiếp xúc với bùn đất, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bùn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!