Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có tỉnh Bình Dương xây dựng được quy chế hoạt động cho câu lạc bộ, được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, vừa qua một "hiệp sỹ" được coi là gạo cội của phong trào này đã xin ra khỏi câu lạc bộ vì cho rằng các quy định trong quy chế hoạt động quá gò bó. Sự việc này đặt ra câu hỏi, cần có quy chế như thế nào để vừa bảo vệ, quản lý các câu lạc bộ này, vừa tạo không gian thuận lợi để các "hiệp sỹ" hoạt động?
Đã gần 1 tuần sau khi nộp đơn xin ra khỏi Câu lạc bộ phòng chống tội phạm nhưng anh Nguyễn Thanh Hải vẫn rất mong quy chế hoạt động của phường được thoáng hơn. Theo anh, các đối tượng sau khi thực hiện hành vi phạm pháp sẽ tìm cách tẩu thoát khỏi địa bàn gây án, việc chỉ được hoạt động trong địa bàn nhất định và báo cáo địa phương để cùng phối hợp sẽ rất bất cập.
Trước thông tin về việc quy chế quá gò bó đã khiến cho một "hiệp sỹ đường phố" gạo cội xin nghỉ, Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, Ban Giám đốc Công an tỉnh thống nhất quan điểm tôn trọng nguyện vọng xin ra khỏi câu lạc bộ của anh Hải. Đồng thời, việc anh Hải thôi tham gia Câu lạc bộ phòng chống tội phạm không ảnh hưởng đến phong trào chung của tỉnh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc các "hiệp sỹ" hoạt động theo quy chế là điều cần thiết vì hiện nay trong pháp luật chưa có quy định cụ thể bảo vệ an toàn cho lực lượng này. Câu chuyện "hiệp sỹ" bắt cướp bị đâm tử vong cách đây hơn 1 năm tại TP.HCM chính là minh chứng cho vấn đề này. Ngoài tỉnh Bình Dương có tổ chức và xây dựng cơ chế hoạt động cho lực lượng này, ở những tỉnh, thành khác trên cả nước, các hiệp sĩ đường phố đang hoạt động một cách tự phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!