Cho đến nay, cảnh sát Mỹ đã xác định 761 gia đình có dính líu tới bê bối tuyển sinh đại học tại Mỹ, đa phần là những người thuộc thành phần gia đình giàu có và quyền lực. Vụ bê bối liên quan đến 200 trường đại học trên toàn quốc, 50 người ở 6 tiểu bang bị cáo buộc.
Gian lận trong các kỳ thi SATs và ACTs
Theo lời khai của William Singer, kẻ cầm đầu đường dây chạy suất vào đại học, hắn sẽ là người thi hộ cho các học sinh. Để liên tục có mặt trong các buổi thi, Singer đã hối lộ những người trông thi. Giá của mỗi một bài thi là khoảng 15.000 - 75.000 USD.
William Singer, người đứng đầu đường dây chạy trường (Ảnh: NYTimes)
Đút lót các huấn luyện viên
Các huấn luyện viên thể thao tại các trường ở Mỹ có tác động rất lớn trong quá trình tuyển sinh vì họ có thể đề nghị với ban đào tạo một số sinh viên có tiềm năng thể thao để trường nhận. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã chuyển tiền hối lộ tới các huấn luyện viên thể thao nhằm tạo ra các hồ sơ giả để vượt qua vòng xét loại hồ sơ.
Các thành viên trong ban phụ trách tuyển sinh cũng nhận tiền của người môi giới để can thiệp vào kết quả bài thi tuyển. Ví dụ, nữ diễn viên Lori Loughlin đã chi 500.000 USD để đưa 2 con gái vào đội đua thuyền của Đại học Nam California, qua đó giúp 2 đứa trẻ trúng tuyển vào trường này dù thực tế chúng không hề tham gia đội đua thuyền nào.
Những khoản tiền từ thiện dởm
Đối tượng Singer đã ngụy trang các khoản thanh toán của khách hàng dưới dạng đóng góp từ thiện cho Quỹ Key Worldwide Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận mà Singer thành lập. Nhưng thay vì đi làm từ thiện, số tiền đó được sử dụng để mua chuộc các huấn luyện viên và quan chức tuyển sinh trong đường dây.
Cách đây vài ngày, Cảnh sát Mỹ đã triệt phá một đường dây triệu USD chạy suất vào các đại học danh giá tại nước này. Có nhiều người thuộc thành phần gia đình giàu có và quyền lực, là giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay là các diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở Hollywood. Những người này bị cáo buộc đã chi từ vài nghìn USD tới 6 triệu USD để lo cho con cái, người thân được vào học tại các trường đại học danh giá hàng đầu tại Mỹ như Yale, Stanford, Georgetown hay Đại học Nam California…
Theo cáo trạng, hoạt động "chạy trường" bắt đầu từ năm 2011 và kéo dài đến nay. Giới chức Mỹ cho hay, điều hành đường dây chạy trường này là một người đàn ông ở bang California. Trong hầu hết trường hợp, các sinh viên có liên quan đều không hay biết mình trúng tuyển nhờ hành vi hối lộ của phụ huynh hay người thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!