Các đối tượng vi phạm hoạt động buôn lậu với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.
Đường cát, thuốc lá, mỹ phẩm, thậm chí cả những bộ quần áo rách cũng được các đối tượng nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu từ Campuchia vào An Giang sẽ còn phức tạp hơn.
Không chỉ đường cát, thuốc lá mà bất cứ thứ gì mang được vào Việt Nam, các đối tượng buôn lậu đều tìm cách đưa vào Việt Nam, từ phế liệu cho đến rượu ngoại, từ hóa chất cho đến các loại sữa, thậm chí cả những đồ sành sứ đã qua sử dụng.
Theo lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam. Thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu càng hoạt động mạnh hơn và dù có lúc tăng, lúc giảm trong từng giai đoạn nhưng chưa bao giờ chấm dứt.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389, tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, trong 11 tháng năm 2018, các lực lượng đã phát hiện, xử lý một lượng khá lớn các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cụ thể, tại Đồng Tháp, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 1.000 vụ, thu giữ gần 40 tấn đường, hơn 300.000 bao thuốc lá; khởi tố hình sự 8 đối tượng trong 6 vụ buôn lậu.
Tại Long An, gần 16.000 vụ bị xử lý, lực lượng chức năng thu giữ gần 2 triệu bao thuốc lá, gần 60 tấn đường; khởi tố 56 đối tượng trong 49 vụ buôn lậu.
Tại An Giang, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 1.600 vụ, thu giữ gần 1 triệu bao thuốc lá, gần 35 tấn đường; khởi tố 59 đối tượng trong 39 vụ buôn lậu.
Lượng hàng lậu bị bắt giữ là khá lớn, tuy nhiên theo đánh giá của lực lượng chức năng, những vụ bắt giữ này vẫn chưa tương xứng và chưa đánh giá đúng thực tế của việc hàng lậu vào Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!