Từ trước đến nay, việc tăng giá xăng hay thuế đánh vào xăng dầu nhằm tăng nguồn thu cho nhà nước luôn được xem là một mục tiêu dễ đạt được. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, người dân không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng một khi đã đánh vào mặt hàng thiết yếu như xăng dầu thì tất yếu sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới tâm lý xã hội.
Chính phủ Iran cho rằng, việc tăng giá xăng dầu là cần thiết, để phòng chống vấn nạn buôn lậu xăng dầu sang các nước lân cận và để có thể tăng trợ cấp cho người nghèo. Nhưng người dân Iran không nghĩ vậy. Dưới tác động của lệnh cấm vận, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Iran đã không ngừng "nhảy múa", không ít mặt hàng lạm phát tới 200%. Trước đây, Iran từng lên kế hoạch cho các chính sách tương tự nhưng rồi phải rút lại do vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân.
Vì sao Iran lại quyết định tăng giá vào thời điểm này? Tại Iran, giá xăng vốn rẻ hơn nước, 1 lít xăng khoảng 10.000 Rial, khoản tiền hầu như không mua được thứ gì đáng kể. Tăng giá xăng thời điểm này cho thấy, nền kinh tế Iran đang ngày càng gặp khó khăn. Tuy nhiên, người dân cho rằng những gì mà nền kinh tế của họ đang phải đối mặt không hoàn toàn là do lệnh cấm vận. Họ cho rằng, số tiền mà Iran thu được từ việc bán dầu thô thời gian qua đã không được quản lý một cách đúng đắn để phát triển kinh tế, cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Hiện không thể biết chính xác ngân khố của Iran đang thâm thủng ở mức độ nào nhưng rõ ràng, Chính phủ Iran hiểu được bầu không khí xã hội sẽ bị tác động như thế nào bởi việc tăng giá xăng. Iran còn thắt chặt mức quota mà người dân có thể mua trong 1 tháng là 60 lít. Ngoài mức quota 60 lít này, giá xăng không chỉ tăng thêm 50% mà còn phải chịu mức phạt 60.000 Rial/lít.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!