Nhà chức trách nước này cho rằng còn rất nhiều trường hợp tương tự nhưng các nạn nhân do quá sợ hãi nên chấp nhận giữ im lặng, không chia sẻ với ai, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân, thậm chí cả tính mạng.
Mean girls (Những cô nàng lắm chiêu) - bộ phim nổi tiếng đầu những năm 2000 từng đề cập đến vấn đề bắt nạt học đường. Tuy nhiên, không như màu hồng chủ đạo của bộ phim, trên thực tế, tình trạng bắt nạt học đường có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.
Cuối năm 2017, một học sinh lớp 5 đã tự sát vì bị bạn bè bắt nạt, cả bằng lời lẽ lẫn những trận đánh, thậm chí còn quay lại và đăng lên mạng xã hội.
Còn trong trường hợp chứng kiến bạn bè bị bắt nạt, người đứng ra bảo vệ cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo. Một bé trai chỉ mới 6 tuổi đã phải hứng chịu những vết thương nặng trên mặt, chỉ vì em dám lên tiếng chống lại những kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, tình trạng bắt nạt có thể vẫn còn tiếp diễn dù đã bị nạn nhân báo cáo.
Tình trạng bắt nạt học đường nghiêm trọng tại Mỹ đã khiến các chuyên gia lên tiếng cảnh báo đây là vấn đề liên quan sức khỏe cộng đồng bởi các nạn nhân bị bắt nạt sẽ bị ảnh hưởng nhiều mức độ, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó, những kẻ bắt nạt cũng chịu tác động về tâm lý và hành vi, dần trở nên hung hãn hơn và có thể phát triển lệch lạc. Giai đoạn thiếu niên là thời điểm thay đổi tâm sinh lý nên các phụ huynh và nhà trường được khuyến cáo nên đặc biệt quan tâm đến con em mình để có thể điều chỉnh khi cần thiết.
Thời gian tới, thêm nhiều chiến dịch chống bắt nạt học đường sẽ được tiến hành tại nhiều nơi trên nước Mỹ để chống lại tình trạng này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!