Đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do trong 10 năm trở lại đây khiến các phương tiện cá nhân tăng chóng mặt. Hiếm có nơi nào trên thế giới, những con đường lại chật cứng xe máy như một số thành phố lớn ở Việt Nam. Mật độ phương tiện cá nhân ở Hà Nội và TP.HCM thuộc hàng cao nhất thế giới, tỷ lệ dân đi lại bằng các phương tiện công cộng chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp đã gây ra nhiều hệ lụy cản trở sự phát triển của xã hội. Thực tế này đang đặt ra những áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lí nhà nước và chính quyền các địa phương cần phải hành động về vấn đề giao thông đô thị trước khi quá muộn.
Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án tổng thể “Phát triển hợp lí các phương tiện vận tải ở các thành phố lớn ở Việt Nam”. Đề án này đã nhận được ý kiến đóng góp từ 21 Bộ ngành, UBND các thành phố trực thuộc trung ương. Có nhiều mục tiêu lớn trong đề án này nhưng đáng chú ý nhất là vấn đề đưa ra lộ trình hạn chế đăng kí mới và sử dụng các phương tiện cá nhân (ô tô và xe máy).
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là chủ trương hạn chế các phương tiện và giảm tỉ lệ sử dụng phương tiện cá nhân sẽ được cụ thể hóa ra sao? Các nhà quản lí sẽ giải quyết vấn đề đi lại của người dân ra sao khi các phương tiện giao thông công cộng còn rất yếu kém?
Để giải đáp thắc mắc trên Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã nêu ra 4 giải pháp cụ thể: “Thứ nhất, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, chủ yếu là điều tiết hành vi của người tham gia giao thông trong giờ cao điểm, khu trung tâm, những trục đường bận rộn nhất; Giao cho các UBND thu phí linh hoạt với từng tuyến đường để điều tiết lượng phương tiện cơ giới cá nhân.
Thứ hai là tăng cường hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, phương thức vận tải phi cơ giới (xe đạp, người đi bộ). Thứ ba là nâng cao năng lực kiểm soát giao thông đô thị của các cơ quan quản lí nhà nước. Và cuối cùng là quản lí hữu hiệu và kiểm soát hoạt động vận tải hàng hóa trong đô thị”.
Tóm lại, theo TS Khuất Việt Hùng, những giải pháp đưa ra là những giải pháp “mềm” không phải để phát triển kết cấu hạ tầng hiện có (những giải pháp mà Thủ tướng đã phê duyệt và đang trong quá trình thực hiện), mà theo ông gọi là giải pháp “đi bằng hai chân”: hạn chế phát triển cơ giới cá nhân đồng thời tăng cường phát triển phương tiện vận tải công cộng.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình với nội dung đề án trên. Ông khẳng định việc hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh làm sao để hài hòa giữa mong muốn quản lí và quyền của người dân và hơn hết là một chiến lược truyền thông mạch lạc. Ngoài ra, các cấp quản lí cần có sự rà soát tổng thể, đánh giá, khảo sát thực tế.
Năm 2020, tỉ lệ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân chỉ còn 55%
Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, trong tờ trình Bộ GTVT trình Thủ tướng có một số đề nghị để thực hiện đề án trên.
Theo đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND các thành phố các đề án kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân kết hợp với tăng cường giao thông vận tải công cộng. Các thành phố cần kiểm soát việc tham gia giao thông giờ cao điểm, địa điểm thường xảy ra ùn tắc đối với loại phương tiện cơ giới cá nhân nào. Các thành phố lớn phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải công cộng. Cụ thể như với Hà Nội, nếu thực hiện hiệu quả, năng suất xe bus có thể tăng 1,4 lần. Hiện nay, xe bus Hà Nội vận chuyển 1.100 khách/ ngày có thể tăng lên thành 1.500 khách/ ngày.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ GTVT, Bộ Tài chính sửa Nghị định 18 để ứng dụng thu phí dựa trên các thiết bị giám sát hành trình nếu đi qua những đoạn đường ách tắc hoặc giờ cao điểm…
Theo đó, đến 2020, giảm tỉ lệ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân từ 80% xuống còn 55%. Trong 25% giảm thiểu, có một phần chuyển sang phương tiện công cộng, một phần chuyển sang đi bộ hoặc phương tiện phi cơ giới.
Giao thông ở các thành phố lớn của chúng ta đang còn quá lộn xộn, quá tải và nguy hiểm. Dù rằng hiện tại, việc sử dụng các phương tiện cá nhân là rất tiện lợi nhưng không lâu nữa, nạn ùn tắc giao thông sẽ trở nên hết sức trầm trọng khi các phương tiện đăng kí mới ngày càng tăng mạnh. Chính sách mạnh dạn và phù hợp lúc này để hạn chế việc đăng kí, sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân trong các khu vực nội thành của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là rất cần thiết, không thể không thực hiện nếu không muốn trả giá đắt trong tương lai gần. Điều quan trọng là cách thức thực hiện phải được tính toán kỹ để không gây xáo trộn lớn, không gây thêm chi phí phát sinh cho xã hội.
Các quyết sách đúng đắn, kịp thời khi thực thi không phải lúc nào cũng được người dân ủng hộ, thậm chí là phản đối mạnh mẽ. Nhưng kinh nghiệm giải quyết các bài toán giao thông đô thị của nhiều nước trên thế giới cho thấy thực tế, khi thấy đúng đắn và cần thiết thì chính quyền và cơ quan quản lí nhà nước cần kiên quyết ban hành và thực hiện chính sách ngay cả khi nhận được sự chỉ trích dữ dội từ dư luận. Thời gian và thực tế đã chứng minh nhiều chính sách khi đi vào thực tế đã được người dân dần dần chấp nhận và ủng hộ. Sẽ không có nhiều cơ may cho các nhà quản lí và hoạch định làm lại nếu đánh mất cơ hội vào thời điểm tốt nhất mà cái lợi không thể nhìn thấy được trong ngày một ngày hai!
Để theo dõi chi tiết nội dung trên trong chương trình Đối thoại chính sách “Hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị" phát sóng ngày 15/1/2014 trên kênh VTV1, mời quý độc giả xem video dưới đây:
MEDIA ITEM: width="420" height="235" file="Talk show/Nam 2014/Thang 1/15012014_DTCS.mp4" Đối thoại chính sách - 15/01/2014