Ý kiến của cử tri, người dân được tổng hợp gửi đến Quốc hội như thế nào?

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 21/05/2023 18:03 GMT+7

VTV.vn - Thông qua nhiều kênh khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị các tầng lớp nhân dân để gửi đến Quốc hội mỗi kỳ họp.

Kết hợp 4 kênh để tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của người dân

Buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Làm thế nào để người dân phản ánh được ý kiến của mình tới Quốc hội?" do Báo điện tử VTV News tổ chức mới đây đã giải đáp nhiều thắc mắc của cử tri, người dân về công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, việc tổng hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri …

Tại chương trình, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm rõ về quy trình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội.

Ý kiến của cử tri, người dân được tổng hợp gửi đến Quốc hội như thế nào? - Ảnh 1.

Theo đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 4 cấp từ cấp trung ương đến cấp xã. Ngoài ra còn có Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Trước mỗi kỳ họp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị với mặt trận các tỉnh, thành phố tổ chức lấy ý kiến tổng hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân, của địa phương mình tập hợp.

"Đấy là một cái kênh tôi cho rằng rất rộng, rất đầy đủ. Từ khu dân cư, Ban công tác mặt trận tổng hợp gửi lên cho mặt trận xã. Mặt trận xã tổng hợp gửi cho mặt trận huyện và mặt trận huyện tổng hợp gửi lên tỉnh" – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.

Một kênh khác để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được bà Ánh nêu là thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đoàn viên, hội viên.

Kênh thứ 3 là thông qua hoạt động của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương, ở các lĩnh vực. Các Ủy viên thực hiện trách nhiệm tiếp xúc với người dân để có thể nắm bắt tình hình ở địa phương và kiến nghị của người dân.

Kênh thứ 4 mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đó chính là báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ 3 tháng 1 lần.

"Chúng tôi kết hợp các kênh để tổng hợp ý kiến kiến nghị các tầng lớp nhân dân. Sau đấy chúng tôi sẽ kết hợp cùng với Ban Dân nguyện của Quốc hội tổng hợp các kiến nghị của cử tri thông qua việc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu thành một bản tổng hợp đầy đủ và phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất các nội dung" - bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.

Dự kiến, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 22/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp.

Tiếp xúc cử tri thể hiện sự gắn bó giữa đại biểu Quốc hội và cử tri

Bên cạnh vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Trương Thị Ngọc Ánh hiện cũng là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ.

Liên quan công tác tiếp xúc cử tri được nhiều khán giả chương trình quan tâm, bà Ánh cho biết có nhiều hình thức tiếp xúc cử tri, trong đó có những quy định bắt buộc.

"Trước và sau các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội hội phải có trách nhiệm tiếp xúc cử tri. Đây chính là dịp để đại biểu Quốc hội thể hiện sự gắn bó mật thiết với cử tri nơi đã bầu ra đại biểu" – ĐBQH đoàn Cần Thơ nhấn mạnh.

Ý kiến của cử tri, người dân được tổng hợp gửi đến Quốc hội như thế nào? - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ trả lời một số ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc (Ảnh: ĐĐK)

Theo bà Ánh, một trong những điểm mới linh hoạt trong công tác tiếp xúc cử tri trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 là hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Nhờ đó, số lượng cử tri được tham dự buổi tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri sẽ nhiều hơn và đại biểu Quốc hội sẽ được lắng nghe nhiều hơn ý kiến của cử tri thông qua cái buổi tiếp xúc đó.

Ngoài việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp theo kế hoạch chung của đoàn, đại biểu Quốc hội ở mỗi một đơn vị công tác còn có trách nhiệm tiếp xúc cử tri với cơ quan, đơn vị.

"Đại biểu phải xây dựng cho mình một kế hoạch tiếp xúc cử tri tại cơ quan đơn vị, tại cái khu dân cư mình sinh sống để vừa nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan mình đại diện ứng cử làm đại biểu Quốc hội nhưng cũng đồng thời là cử tri nơi cư trú, lắng nghe những kiến nghị đề xuất để tổng hợp" - bà Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Xem lại buổi tọa đàm trực tuyến tại đây:

Toạ đàm trực tuyến: Làm thế nào để người dân phản ánh ý kiến của mình tới Quốc hội? Toạ đàm trực tuyến: Làm thế nào để người dân phản ánh ý kiến của mình tới Quốc hội?

VTV.vn - Buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Làm thế nào để người dân phản ánh được ý kiến của mình tới Quốc hội?" sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 18/5.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước