Xử lý công trình vi phạm PCCC: Không cứng nhắc nhưng phải an toàn, hiệu quả

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ hai, ngày 12/06/2023 20:46 GMT+7

VTV.vn - PTT Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc tháo gỡ vướng mắc cho các công trình vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cần linh hoạt, nhưng phải bảo đảm hiệu quả phòng chống cháy nổ.

Xử lý công trình vi phạm PCCC: Không cứng nhắc nhưng phải an toàn, hiệu quả - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việc tháo gỡ vướng mắc cho các công trình vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cần linh hoạt, nhưng phải bảo đảm hiệu quả phòng chống cháy nổ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chiều 12/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho các cơ sở, công trình xây dựng.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về PCCC đã được nhận diện, trong đó, hầu hết các vướng mắc đều có trước khi QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) có hiệu lực.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ cho biết đối với nhóm vướng mắc về PCCC theo Quy chuẩn 06:2022/BXD đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa đạt yêu cầu nghiệm thu, đã được giải quyết triệt để sau khi chủ đầu tư được cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn đầy đủ, cụ thể.

Xử lý công trình vi phạm PCCC: Không cứng nhắc nhưng phải an toàn, hiệu quả - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hiện còn hơn 38.000 công trình không đáp ứng yêu cầu PCCC ngay khi đưa vào sử dụng hoặc qua quá trình cải tạo, sửa chữa, thay đổi công năng nhưng không chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng chống cháy nổ.

Các cơ quan chuyên môn đang rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và nghiên cứu biên soạn Hướng dẫn thực hiện QCVN 06:2022/BXD.

Các nội dung dự kiến nhằm làm rõ, bổ sung: Các định hướng giải pháp phục vụ công tác thiết kế an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng; phát huy rõ hơn vai trò tư vấn thiết kế, chuyển đổi dần từ thiết kế tiền định sang thiết kế theo công năng phù hợp với công trình cụ thể; nội dung liên quan đến các đối tượng công trình quy mô nhỏ có các đặc điểm phi tiêu chuẩn.

Đối với công trình xây dựng có đặc điểm gắn với điều kiện từng địa phương, nghiên cứu theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương trong ban hành quy định về an toàn PCCC phù hợp.

Xử lý công trình vi phạm PCCC: Không cứng nhắc nhưng phải an toàn, hiệu quả - Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình/cơ sở còn tồn tại về PCCC nhưng không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC có hiệu lực tại thời điểm đưa vào sử dụng (Nghị quyết).

Bộ Xây dựng, Bộ Công an đề xuất phương án các công trình không có khả năng khắc phục các vi phạm về PCCC theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành sẽ được áp dụng một số giải pháp kỹ thuật tăng cường, bổ sung nhằm nâng cao an toàn cháy nổ phù hợp với tình hình hiện nay.

Tại cuộc họp, Bộ Công an cũng kiến nghị xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo hướng bổ sung một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc một số quy định có tính khả thi chưa cao hoặc không phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…

Xử lý công trình vi phạm PCCC: Không cứng nhắc nhưng phải an toàn, hiệu quả - Ảnh 4.

Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cần ban hành hướng dẫn, tiêu chí xác định những công trình hiện hữu đang vi phạm quy định PCCC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; phân loại theo nhóm nguy cơ cháy nổ, quy mô, mức độ phức tạp… từ đó, có hướng dẫn giải pháp kỹ thuật khắc phục, bổ sung linh hoạt, phù hợp với từng nhóm công trình, bảo đảm hiệu quả phòng, chống cháy nổ.

Bộ Công an, Công an các địa phương thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc khắc phục của chủ đầu tư theo đúng quy định, "không hợp thức hoá sai phạm".

"Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC không cứng nhắc, máy móc, cần phân loại nhóm công trình phải quản lý rất chặt; nhóm công trình gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư…", Phó Thủ tướng gợi mở.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc tháo gỡ vướng mắc cho các công trình vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cần linh hoạt, nhưng phải bảo đảm hiệu quả phòng chống cháy nổ. Về lâu dài, các bộ, ngành tăng cường phân cấp trong thẩm duyệt, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ đối với máy móc, thiết bị, vật liệu công trình xây dựng…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước