Ngày 16/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, đồng thời đề nghị rà soát kỹ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành, không trùng lặp, chồng lấn với thẩm quyền của các cơ quan khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Nhiều ý kiến tán thành với nội dung chỉnh lý về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu cùng nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng ban, phó trưởng ban và có ý kiến đề nghị, Ban Công tác đại biểu chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương xin ý kiến về một số nội dung liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của phó trưởng ban, nếu được chấp thuận sẽ bổ sung vào dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc dự thảo nghị quyết có nội dung quy định Ban Công tác đại biểu làm đầu mối thẩm tra, cùng với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên, phê chuẩn chức danh hoặc cho thôi làm thành viên của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Về nội dung tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến đối với việc bắt, giam, giữ khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành theo hướng Ban công tác đại biểu là cơ quan đầu mối phối hợp với thường trực Uỷ ban Tư pháp trong việc có ý kiến đối với các nội dung liên quan đến quy trình thủ tục tố tụng, đảm bảo theo quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều 16/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc sửa đổi Quy chế cần kế thừa các quy định trước đây nhưng vẫn phải bảo đảm đổi mới hoạt động, điều hành của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy trình làm việc sửa đổi của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải bảo đảm bao quát hết quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan này và không trái luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng ngoài nguyên tắc làm việc của Ủy ban thường vụ đó là làm việc tập thể, quyết định theo đa số cần bổ sung thêm trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, mỗi thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể.
Việc sửa đổi Quy chế mới cần phù hợp với việc sửa đổi các quy định tại Nội quy Kỳ họp của Quốc hội và Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!