Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/06/2020 18:35 GMT+7

Ảnh minh họa: Báo Nhân dân.

VTV.vn - Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quan tâm những nội dung sau:

- Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân. Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo.

- Đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật.

- Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", "tương thân tương ái". tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Chấn chỉnh việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá duy tâm thần bí, mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh. Huy động nguồn lực, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp trong xã hội.

- Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước.

Đẩy mạnh việc "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội.

Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Chú trọng phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp. Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tập trung thực hiện quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc. Phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.

- Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa. Nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Kết luận của Bộ chính trị cũng yêu cầu Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường các chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển con người với mức độ bất bình đẳng tăng chậm Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển con người với mức độ bất bình đẳng tăng chậm

VTV.vn - Việt Nam hiện đã nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước