Sau thành công của Đại hội Đảng XIII, phóng viên báo VTVNews đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) về xây dựng lực lượng Cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, "tiến thẳng lên hiện đại"ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tới.
"Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, đạt trình độ hiện đại vào năm 2030 như trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thức XI và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Đây là vinh dự to lớn nhưng cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nặng nề đối với lực lượng CSBVN", thiếu tướng Bùi Quốc Oai nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với VTVNews.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN)
Sau thành công của Đại hội Đảng khóa XIII, trước yêu cầu thực tiễn, lực lượng Cảnh sát biển được xây dựng và phát triển như thế nào trong thời gian tới nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trên biển, đặc biệt là việc Cảnh sát biển được xác định là lực lượng chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại như đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII, thưa thiếu tướng?
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai: Để thực hiện chủ trương này, CSBVN đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai thi hành Luật CSBVN. Hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả giữa các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật trên biển và phát triển kinh tế biển; Kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng CSBVN theo hướng tinh gọn mạnh đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đầu tư mua sắm trang bị kĩ thuật nghiệp vụ hiện đại, đóng mới tàu thuyền trong đó chú trọng đầu tư đóng mới các gam tàu có trọng tải lớn và có thể hoạt động dài ngày trên các vùng biển xa. Đầu tư mua sắm máy bay tuần thám biển để quản lý vùng biển xa hiệu quả hơn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng doanh trại, cầu cảng vị trí neo đậu tàu thuyền bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng. Đầu tư xây dựng nguồn nhân lực đáp ưng nhu cầu nhiệm vụ phát triển của lực lượng trong đó đặc biệt chú trọng là nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật về ngoại ngữ cho cán bộ chiến sỹ trong thực thi nhiệm vụ và làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại.
Tàu Cảnh sát biển 8004 tại DK17
Một điểm quan trọng nữa là, bản thân lực lượng CSBVN cũng phải tập trung làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ về nhiệm vụ của cảnh sát biển; nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỉ luật xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu và mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quản lý vùng biển rộng lớn và nhạy cảm, những thuận lợi và khó khăn đối với BTL Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn an ninh, thực thi pháp luật, giữ vững chủ quyền biển đảo trong tình hình mới là gì thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai: Như các bạn đã biết, lực lượng CSBVN với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thấy nổi lên những thuận lợi và khó khăn sau:
Trước hết là về thuận lợi, lực lượng CSBVN đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quân Ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương cũng như các đơn vị, lực lượng chức năng trong và ngoài quân đội. Đặc biệt ở đây là sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn của lực lượng ngư dân trên khắp vùng biển đảo của Tổ quốc.
Tàu Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại khu vực nhà giàn và tàu Cảnh sát biển trên đường tuần tra
Thuận lợi thứ hai là lực lượng CSB chúng tôi hiện nay có hệ thống cơ sở pháp lý là tương đối hoàn thiện, để hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật.
Chúng tôi cũng có những thuận lợi rất quan trọng nữa, là đội ngũ cán bộ chúng tôi được đào tạo khá là bài bản, có đủ năng lực, đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, và có quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm đầu tư hệ thống các trang bị kỹ thuật khá hiện đại, có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng CSB.
Bên cạnh những thuận lợi, còn một số các khó khăn nhất định. Thứ nhất là như các bạn đã biết, tình hình khu vực thời gian tới dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông thì đứng trước thách thức lớn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Điều đó đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, trong đó có lực lượng CSBVN.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 diễn tập
Khó khăn thứ 2 là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như là thiên tai, như là dịch bệnh, như là ô nhiễm môi trường… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm, các hành vi phạm pháp luật trên biển vẫn xảy ra ở nhiều vùng biển chưa có chiều hướng giảm, với thủ đoạn hoạt động thì ngày càng tinh vi, manh động. Thực tế đó đặt ra những khó khăn thách thức cho lực lượng CSBVN.
CSBVN được giao quản lý một vùng biển rất là rộng trong khi lực lượng cũng còn mỏng, do đó cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Đặc biệt là nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên các vùng biển xa.
Thưa ông, một trong những thuận lợi của lực lượng CSB như ông đề cập ở trên là sự ủng hộ của ngư dân. Đây được xem là một trong những kênh thông tin rất là hữu ích với lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Thiếu tướng đánh giá như thế nào về cái vai trò của ngư dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển?
Lực lượng Cảnh sát biển của chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của ngư dân, chúng tôi coi đó như là những cột mốc sống ở trên biển trong việc góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai
Như các bạn đã biết, Việt Nam hiện có gần 1 triệu ngư dân trực tiếp làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, với khoảng 130,000 tàu cá và trong đó có hơn 30,000 tàu đánh bắt xa bờ. Họ là những người có dũng khí, dám mạo hiểm, bám biển trong mọi điều kiện khó khăn vất vả.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trong Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân tại đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng
Hàng ngày có khoảng 10,000 tàu thuyền đánh cá hoạt động khắp các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là lực lượng không thể thiếu đối với sự hiện diện dân sự và thực hiện chủ quyền dân sự trên các vùng biển và các đảo của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của Biển Đông hiện nay.
Ngư dân cũng chính là những tai mắt cung cấp những thông tin quan trọng cho Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam giai đoạn 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo do Bộ Quốc phòng tổ chức, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển là một đề án rất lớn, lien quan đến tổ chức, biên chế, trang bị, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho một lực lượng mới được thành lập, có nhiều công việc. Đến năm 2030, Cảnh sát biển được xác định là một trong những lực lượng đạt trình độ hiện đại.
Một trong những mô hình thiết thực gắn kết với nhân dân là "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", thời gian qua chương trình này đã được BTL Cảnh sát biển triển khai thực hiện như thế nào?
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai: Mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân được triển khai thực hiện từ đầu năm 2017. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã báo cáo Bộ Quốc phòng nâng từ mô hình thành chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân nhằm tăng cường phát huy hiệu quả các hoạt động.
Đây là Chương trình rất là đặc trưng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, được các cơ quan chức năng của Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy Chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao.
Đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện chương trình này với ban Thường vụ của 11 tỉnh thành phố ven biển. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục ký kết với cấp ủy chính quyền các địa phương còn lại trong 28 tỉnh thành ven biển để triển khai thực hiện Chương trình.
Tặng rau xanh cho bà con ngư dân Tiền Giang tại khu vực nhà giàn Phúc Nguyên 2
Với mô hình này, chúng tôi đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức về tình hình biển đảo, về pháp luật cho ngư dân, cho cán bộ đảng viên trên các xã, huyện đảo và các huyện ven biển; khơi dậy và động viên được ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên các vùng biển đảo của tổ quốc thông qua các hoạt động như là thăm, tặng quà các gia đình chính sách, ngư dân nghèo, tặng xe đạp và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, nhận đỡ đầu các cháu học sinh nghèo học giỏi, tặng ngư dân các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm…
Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân đã tạo ra sự gần gũi với đồng bào ngư dân, khơi dậy, động viên được ngư dân vươn khơi bám biển và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng như tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự an toàn trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai
Như ông đề cập ở trên, thời tiết những năm gần đây thường xuyên có những biến đổi thất thường khiến cho mưa bão liên tục xảy ra, gây thiệt hại rất nhiều cho ngư dân và nhân dân sống ven biển. BTL Cảnh sát biển có kế hoạch thế nào để chủ động, kịp thời ứng cứu ngư dân, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai?
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai: Bộ Tư lệnh CSB đã chủ động xây dựng các kế hoach phòng chống khắc phục hậu quả sau mưa bão cho toàn lực lượng và triển khai cho các cơ quan đơn vị trực thuộc. Chúng tôi cũng thường xuyên duy trì lực lượng đơn vị trực 24/24 mỗi khi có thời tiết xấu.
Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn với lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ tại Đà Nẵng
Các cơ quan chuyên môn của Bộ Tư lệnh thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết thông báo cho các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của bão; thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng hiệp đồng trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền và vận động cho nhân dân, ngư dân và thông báo cho các tàu xuồng về nơi trú đậu và đã an toàn khi có bão lũ.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức giáo dục cho cán bộ chiến sỹ xác định rõ trách nhiệm và làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, bố trí các tàu xuồng trực tại các khu vực có khả năng cơ động nhanh nhất để thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp.
Mỗi khi có diễn biến bão lụt phức tạp chúng tôi có chỉ đạo thành lập các tổ cơ động sẵn sàng ứng cứu nhân dân trong các vùng bão lũ di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân trong vùng bão lũ chuẩn bị các khu nhà ở của đơn vị để nhân dân ở vùng nguy hiểm đến tránh bão và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!