VTV truyền hình trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:29 GMT+7

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước... (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 16h40 ngày 3/11 trên kênh VTV1.

Hôm nay (3/11), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan.

Vào buổi chiều, Quốc hội sẽ xem video clip báo cáo kết quả giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

Sau đó, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan.

Để giúp cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ngày 3/11 của Quốc hội từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 16h40 trên kênh VTV1.

Thực hiện "mục tiêu kép" đi cùng với khắc phục hậu quả bão lũ miền Trung

Trước đó, tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020, cùng với dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới từ 2021 - 2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm nay, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, trong đó kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất.

Thủ tướng khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

VTV truyền hình trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, nhiệm vụ 5 năm tới từ 2021 - 2025. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, thời gian còn lại của năm nay, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quyết liệt hành động, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "mục tiêu kép" đã đề ra, đi cùng với khắc phục hậu quả của lũ lụt ở miền Trung.

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép". Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo Quốc hội 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chú trọng đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vaccine phòng dịch sớm nhất.

Cũng trong ngày 3/11, Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Sau đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu (Ban kiểm phiếu tiếp tục làm việc trong các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự tiếp theo) và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc Trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc

VTV.vn - Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức bỏ phiếu kín.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước