Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 7/10, tại trụ sở Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang chào mừng Giáo sư Klaus Schwab đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương; đánh giá cao các hoạt động đầy ý nghĩa và truyền cảm hứng của Giáo sư tại Việt Nam; mong muốn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Giáo sư về những gì Việt Nam nên, cần làm trong kỷ nguyên tới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ sự vinh dự được đến làm việc tại Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế.
Giáo sư cũng bày tỏ ấn tượng khi đến thăm Việt Nam, được chứng kiến thành quả, tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam; đánh giá cao khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế mà Việt Nam đang xây dựng nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Giáo sư Klaus Schwab cho rằng Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt về chiến lược, chính sách để sẵn sàng thích ứng, đón nhận và tận dụng các xu thế mới trên toàn cầu. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới mô tả kỷ nguyên tới là kỷ nguyên của kinh tế thông minh, là nền kinh tế tích hợp cả tri thức, kỹ thuật số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Đây là những yếu tố quan trọng, gắn kết thúc đẩy nhau, tác động mạnh mẽ đến cấu trúc kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc gia.
Theo Giáo sư Klaus Schwab, kinh tế thông minh sẽ mở ra những ngành nghề mới, khu vực mới chưa từng có trước đây. Các ngành nghề này đều dựa trên sự sáng tạo và ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt là dịch vụ.
Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh những nền kinh tế nào chuyển đổi nhanh sang kinh tế thông minh, dựa nhiều vào tri thức, kỹ thuật số, công nghệ AI thì sẽ phát triển nhanh hơn và đây sẽ là cuộc đua của các nền kinh tế trên toàn cầu trong kỷ nguyên mới.
Thách thức đối với các nền kinh tế và các doanh nghiệp đó là một mặt phải tái định hình trọng tâm của nền kinh tế, trọng tâm, quy mô của từng ngành nghề đồng thời cũng phải mở rộng và phát triển cả nền kinh tế. Tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu lực, hiệu quả là một hướng đi quan trọng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab. (Ảnh:TTXVN)
Cảm ơn Giáo sư Klaus Schwab về các nhận xét và khuyến nghị có giá trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang cho biết Việt Nam đã chuẩn bị về chủ trương, chính sách, cách tiếp cận mới, tư duy mới để tận dụng các xu thế và chuyển đổi trên thế giới.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách này một cách hiệu quả vẫn đang là vấn đề đối với Việt Nam. Hoàn thiện thể chế kinh tế, xây dựng các chính sách hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp, giải bài toán nguồn nhân lực... đáp ứng đòi hỏi của kỷ nguyên mới, ứng phó với biến đổi khí hậu là những quan tâm lớn của Việt Nam hiện nay.
Tại buổi tiếp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang cũng thảo luận với Giáo sư Klaus Schwab về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trao đổi thêm về cơ hội, thách thức, những vấn đề đặt ra để Việt Nam có thể thích ứng với các xu thế của thế giới và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!