Việt Nam, Nhật Bản cần sớm ký kết thỏa thuận về ODA thế hệ mới

Theo VGP-Thứ tư, ngày 15/02/2023 18:06 GMT+7

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.

VTV.vn - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Việt Nam và Nhật Bản sớm ký kết thỏa thuận về ODA thế hệ mới với nhiều ưu đãi hơn cho Việt Nam trong năm 2023.

Phó Thủ tướng nêu đề nghị trên trong cuộc tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chiều ngày 15/2 tại Trụ sở Chính phủ.

Đáp lại, Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio khẳng định Nhật Bản rất coi trọng việc làm sôi động các dự án ODA tại Việt Nam, sẵn sàng tham gia các dự án mới tại Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc hội đàm ngày 24/11/2021 tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác sử dụng vốn ODA của Nhật Bản trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhằm đáp ứng nhu cầu mới phát sinh, tương xứng với tiềm năng to lớn của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, tập trung vào 4 lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, và chuyển đổi số trên cơ sở ưu đãi, thủ tục tinh giản tối đa và linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Trong cuộc hội đàm sáng ngày 1/5/2022 tại Hà Nội, Thủ tướng hai nước nhất trí hai bên sớm thống nhất và triển khai hiệu quả Chương trình vốn vay ODA thế hệ mới với điều kiện ưu đãi, linh hoạt, đủ lớn, thủ tục đơn giản và dài hạn cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế; các sáng kiến đối tác đổi mới công nghệ, tăng cường chuỗi cung ứng, chuyển đổi số.

Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu về ODA, chiếm 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, khoảng 29,3 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá trải qua nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, sâu rộng, toàn diện với nhiều bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2014.

Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả; giao lưu nhân dân được mở rộng, kết nối văn hóa được tăng cường.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng lên nửa triệu người, trong đó đa số là đội ngũ nhân lực trẻ, năng động, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và là cầu nối hữu nghị vững chắc, góp phần cho quan hệ hai nước ngày càng gắn kết, bền chặt hơn.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là một điểm sáng, là động lực quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hai bên cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…

Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, với 4.978 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 69 tỷ USD tính đến tháng 12/2022.

Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước