Vì sao cần một luật sửa nhiều luật?

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 10/01/2022 18:12 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, cần sử dụng một quy định về ngoại lệ là "một luật sửa nhiều luật" để xử lý những vướng mắc trong một số vấn đề quan trọng.

Một luật sửa nhiều luật - sử dụng quy định ngoại lệ để xử lý vướng mắc

Ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Dự án Luật gồm sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Trước đó, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất việc ban hành các dự án luật là cần thiết, phù hợp thực tiễn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo thuận lợi phát triển đất nước. Các đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề như: Luật Thi hành án dân sự chưa đề cập đến cơ chế xử lý ủy thác thi hành án và ủy thác tài sản; xem xét thấu đáo hơn các điều khoản bảo vệ di tích di sản trong Luật Đầu tư; sửa đổi mạnh mẽ, chặt chẽ hơn quy định chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và nhà dân.

Về vấn đề tại sao sửa 8 luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, điều này xuất phát từ rà soát của các bộ, của các địa phương gần 2 năm qua. Từ nhiều các đề xuất khác nhau, các cơ quan nghiên cứu, chắt lọc, chọn ra ban đầu là 10 luật, sau đó chỉnh lý còn 8.

"Nguyên tắc là chọn ra những vấn đề rất bức xúc, cố gắng mang tính độc lập mà Quốc hội xem xét ban hành thì có thể thực hiện được và ít kéo theo sự thay đổi của các luật khác hoặc thậm chí là không. Tinh thần là xử lý những vướng mắc rất hóc búa, đồng thời đánh giá mối quan hệ giữa các luật là một thách thức. Chúng ta sử dụng quy định về ngoại lệ trong Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật là ‘một luật sửa nhiều luật’. Chúng ta chọn ra một số vấn đề thiết yếu, quan trọng để xử lý vướng mắc như thế này cũng là một ngoại lệ. Tinh thần của Chính phủ là như vậy" - ông Long nêu rõ.

Về các ý kiến bổ sung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu và tiếp thu chỉnh lý, xử lý ở trong các luật theo quy trình thông thường. Ví dụ như Chính phủ đang đề nghị sửa đổi tổng thể Luật điện lực, Luật nhà ở và trong chương trình của Quốc hội có xem xét Luật Đất đai.

Đề xuất thí điểm sửa điều 75 Luật Đầu tư

Về đề nghị bổ sung ngành, nghề sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, cơ sở chính trị và pháp lý là Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về vấn đề an ninh mạng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, không cần phải sửa Luật An ninh mạng mà chỉ cần đưa một điều kiện về kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 của Luật Đầu tư là đã xử lý được vấn đề.

Ngoài ra, kể cả sửa Luật An ninh mạng mà không bổ sung vào Phụ lục 4 của Luật Đầu tư thì cũng không thực hiện được. Không phải tất cả các ngành nghề có trong pháp luật đều đưa khái niệm chuyên ngành vào.

Vì sao cần một luật sửa nhiều luật? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ Công an đã có giải trình rằng, nhiều các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến an ninh mạng phải quản lý và cần phải có cơ sở pháp lý để quản lý các sản phẩm và dịch vụ này. Ví dụ như thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, truy nguồn…

Bộ Công an cũng có cam kết là có thể bóc tách được những phần mà đại biểu quốc hội lo trùng lặp giữa 3 dự án luật ba luật khác nhau là cơ yếu, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.

Về việc sửa Điều 75 Luật Đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, để tránh những lo ngại của một số đại biểu khi sửa luật cần phải có một số điều kiện như: Phải phù hợp với quy hoạch, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, đất không thuộc điều kiện thu hồi và quá trình làm phải minh bạch.

"Những điều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội là phù hợp và có thể xảy ra trục lợi chính sách. Quan điểm của Chính phủ cũng là phải cân nhắc tính toán điều này hết sức cẩn thận. Chúng tôi cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cân nhắc để xem xét, tính toán xem có thể làm thí điểm được không" - trưởng ngành tư pháp đề xuất.

Về Luật Di sản văn hóa, Chính phủ đã có tiếp thu, nhưng tinh thần cơ bản nhất là cần phải phân cấp, đặc biệt là trong khu vực II của di tích và khu di sản, mà chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của quốc tế cũng như quy định của pháp luật trong nước. Chính phủ đã chốt lại và cố gắng để phạm vi các dự án đầu tư là phải theo quy định của Luật di sản văn hóa, "cái khóa" là sự kiểm tra, đánh giá sự phù hợp với yêu cầu để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Về Luật Điện lực, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý một việc, đó là phá thế độc quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực. Để thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị còn khá nhiều vấn đề phải làm, đặc biệt là liên quan câu chuyện về năng lượng sạch, giá, hợp đồng điện… thì Chính phủ cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan việc sửa Luật Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long làm rõ, hiện nay, việc ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản được làm tuần tự. Đối với các vụ án thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, việc sửa đổi luật cho phép cơ chế làm cùng một lúc. Còn ủy thác thi hành án do cơ quan ra quyết định thi hành án chịu trách nhiệm đến cùng. Ủy thác xử lý tài sản không phải ra quyết định thi hành án nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước