Tổng Bí thư Tô Lâm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN)
Trong Tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh: Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhận thấy quan hệ Việt Nam - Malaysia đang ở giai đoạn chín muồi với nhiều cơ hội, tiềm năng phù hợp để tiến lên tầm cao mới, hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Malaysia lên Đối tác Chiến lược toàn diện, đánh dấu ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này.
Chính phủ hai nước khẳng định cam kết ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác hữu nghị, tin cậy chính trị trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Các phương hướng và biện pháp triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, pháp luật và quy định của mỗi nước và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Hai bên nhất trí về những phương hướng làm sâu sắc hơn nữa và nâng tầm quan hệ trên các lĩnh vực, nhất là những biện pháp mang tính đột phá mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hai nước và vì Cộng đồng ASEAN, với các cột trụ chính bao gồm:
(i) Tăng cường tin cậy và hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, luật pháp và tư pháp, tạo nền tảng quan hệ vững chắc, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển thông qua tăng cường trao đổi đoàn và hợp tác tại tất cả các cấp và các kênh nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính đảng của Malaysia, cũng như giữa Chính phủ, Quốc hội và nhân dân hai nước; triển khai hiệu quả các cơ chế sẵn có, nghiên cứu thành lập các cơ chế hợp tác phù hợp trong bối cảnh mới;
(ii) Tăng cường gắn kết kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững, đóng góp vào phát triển và thịnh vượng chung: Thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi; trao đổi thông tin về các quy định, chính sách liên quan đến các mặt hàng xuất nhập khẩu tiềm năng của mỗi nước; tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư; cam kết bảo đảm lợi ích từ hợp tác dầu khí và xem xét thiết lập cơ chế cùng phát triển hợp tác ở các khu vực chồng lấn nếu có;
(iii) Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới (như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh...) và gia tăng gắn kết chặt chẽ giữa hai nước trên các lĩnh vực quan trọng khác (hợp tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch và kết nối người dân...) nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững;
(iv) Tích cực ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế vì hòa bình, an ninh và ổn định chung: Tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; thúc đẩy sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và xa hơn; hỗ trợ hợp tác và liên kết tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng sông Mê Công.
Giao hai Bộ Ngoại giao phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động triển khai các trụ cột để thảo luận tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì. Rà soát và tiến hành đàm phán các thỏa thuận hợp tác mới vào thời điểm phù hợp.
Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Malaysia và tất cả các nước thành viên ASEAN hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, cam kết tăng cường hợp tác. Thúc đẩy hơn nữa phát triển công bằng, bao trùm và bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết phát triển tiểu vùng với phát triển toàn diện của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo nhắc lại lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông và tái khẳng định cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tất cả các bên liên quan kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông; kêu gọi thực hiện (DOC); đàm phán (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng mời Thủ tướng Dato' Seri Anwar Ibrahim sớm sang thăm lại Việt Nam. Thủ tướng đã vui vẻ nhận lời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!