Trong tuần tới, Đài THVN sẽ truyền hình trực tiếp nhiều phiên thảo luận của Quốc hội về công tác quy hoạch, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào các ngày 30/5, 1/6 và 2/6 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Theo chương trình dự kiến, ngày 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.
Ngày 1/6 và 2/6, Quốc hội dành toàn bộ 2 ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về:
+ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
+ Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 23/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm nay.
Theo cáo cáo của Chính phủ, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.
Những tháng đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, trên 217 triệu liều. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát với chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm ngoái. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 657 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả tích cực; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Về những tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai còn chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!