Trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội trong tháng 8, hạn chế tối đa rút BHXH 1 lần

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 28/07/2023 20:26 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động, đảm bảo người lao động không cần rút BHXH 1 lần.

Chiều 28/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn" do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Diễn đàn có sự tham gia của 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ở tất cả các tỉnh/thành, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước.

Diễn đàn là dịp để đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 -2026, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Diễn đàn, nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động đã đặt câu hỏi về tình trạng doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) hay việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết,trong tháng 8 này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội trong tháng 8, hạn chế tối đa rút BHXH 1 lần - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Theo đó, việc sửa luật lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi cho người lao động chứ không tập trung hạn chế quyền lợi người lao động, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc sửa luật nhằm hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì bảo hiểm xã hội là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải để đảm bảo cho người lao động khi cần thiết thực sự thì họ có quyền được hưởng. Phải đảm bảo người lao động có thể không cần rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.

Về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bộ xác định bảo hiểm xã hội là “bà đỡ” cho thị trường lao động. Hiện nay kết dư của quỹ đang ở mức an toàn. Trước đó quỹ bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100.000 tỉ đồng và đã được sử dụng 41.000 tỉ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động. Hiện tại kết dư chỉ ở mức an toàn, không còn nhiều.

Cho biết thêm về nội dung này, Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trước khi có dịch COVID-19, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư nhiều vì tồn qua nhiều năm. Theo đó, những năm đầu chi của quỹ ít so với thu, đặc biệt là quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ cho quỹ 1%. Sau đó quy định này không còn nữa nên phần thu giảm dần qua các năm.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 03 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết này được triển khai rất nhanh chóng, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được hỗ trợ trong 3 tháng và người sử dụng lao động miễn đóng trong 1 năm. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 24 để giải quyết các trường hợp còn tồn đọng.

“Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp mà quan trọng cho người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ tiền thì cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan đến quy định đào tạo nghề, tạo điều kiện để người lao động sớm quay lại thị trường, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cho người lao động” – bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Liên quan tình trạng chậm, trốn, và nợ đóng BHXH, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ có hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và cho biết đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm xử lý, khoanh lại để tập trung xử lý.

Báo cáo thêm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, số tương đối nợ chậm đóng so sánh từ 2016 6% đến năm 2022 giảm 2,91% trên tổng thu BHXH trên 1 năm.

BHXH Việt Nam rất trăn trở và đã xây dựng ứng dụng VssID để thông báo tình hình chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên của tất cả doanh nghiệp để người lao động có thể theo dõi.

BHXH Việt Nam đã đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động, thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ BHXH của 63 tỉnh thành, cơ bản là chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tính riêng năm 2022, cơ quan BHXH đã thu hồi được 3.200 tỉ đồng cho người lao động; tỉ lệ trước và sau thanh tra là 93%.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã sử dụng các biện pháp khác như: Công khai nợ, chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xem xét khởi tố theo quy định. Ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị cần đưa vào các biện pháp mạnh để doanh nghiệp chấp hành như cưỡng chế hoá đơn, cấm xuất cảnh… 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước