TP Thủ Đức: Hàng trăm cán bộ dôi dư khi sáp nhập được bố trí như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/01/2021 06:02 GMT+7

VTV.vn - Sẽ cần có thời gian để thống nhất một cơ chế mới phù hợp nhất cho một thành phố đầy tham vọng như Thủ Đức. Nhưng chắc chắn sẽ không thể chờ đợi quá lâu.

Thành phố Thủ Đức cần cơ chế mới

TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Trung ương xem xét. Với mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố TP Hồ Chí Minh, nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, TP Thủ Đức đã chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận.

Trong đó, Thủ Đức trở thành trung tâm hành chính của TP Thủ Đức, Quận 2 trở thành trung tâm tài chính. Quận 9 sẽ trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ và là khu vực phát triển năng động nhất. TP Thủ Đức có diện tích tự nhiên 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người, tiếp giáp với Bình Dương và Đồng Nai là những địa phương phát triển nhanh trong nhiều năm qua.

TP Thủ Đức: Hàng trăm cán bộ dôi dư khi sáp nhập được bố trí như thế nào? - Ảnh 1.

TP Thủ Đức có diện tích tự nhiên 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người

Được ví như một con voi với quy mô dân số lớn, việc chuyển động sẽ chậm chạp hơn nếu TP Hồ Chí Minh không có những thành phố vệ tinh quy mô dân số nhỏ hơn như TP Thủ Đức. Tuy nhiên, TP Thủ Đức cần được hưởng quy chế hành chính đặc thù, không cào bằng và được trao quyền để có thể dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển của TP Hồ Chí Minh, của vùng đô thị TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, mô hình thành phố trong thành phố - TP Thủ Đức tương tự như thành phố phía đông Thượng Hải, Trung Quốc hay khu Hauts de Seine phía Tây của Paris - Pháp. Khác với thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trong thành phố sẽ cần có sự tự chủ nhất định.

"TP Thủ Đức độc lập về mặt quản lý, tài chính phát triển. Tất nhiên trong đó mọi sự phát triển đều theo định hướng chung phát triển của TP Hồ Chí Minh, của vùng TP Hồ Chí Minh và xin sự tham vấn của các nhà lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, của trung ương. Tuy nhiên công việc hàng ngày các nhà lãnh đạo TP Thủ Đức phải có năng lực để quyết định nếu không cứ phải xin phép cấp cao hơn thì sẽ mất thời cơ" - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Kinh tế Phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Việc phân cấp của UBND TP cao cho TP Thủ Đức sẽ rộng hơn. Từ đó TP Thủ Đức có điều kiện để quyết định những vấn đề quan trọng của TP Thủ Đức và có hội đồng nhân dân tại TP Thủ Đức".

Trong nhiều cuộc họp về thành phố Thủ Đức, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: TP đang nghiên cứu các cơ chế đặc thù cụ thể cho TP Thủ Đức. Theo hướng trong một vài lĩnh vực, TP Thủ Đức có thể quyết ngay mà không cần xin phép hay trình lãnh đạo cấp trên. Trước mắt sẽ áp dụng các cơ chế ủy quyền cao nhất theo Nghị quyết 54 cho TP Thủ Đức.

Trong chương trình Vấn đề hôm nay, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ chia sẻ thêm về vấn đề phân cấp ủy quyền để TP Thủ Đức có thể quyết ngay mà không cần xin phép hay trình lãnh đạo cấp trên.

TP Thủ Đức: Hàng trăm cán bộ dôi dư khi sáp nhập được bố trí như thế nào? - Ảnh 2.

"Những lĩnh vực TP Thủ Đức có thế mạnh và khả năng đáp ứng được thì sẽ phân cấp ủy quyền. Nếu không có quy định cụ thể, ví dụ quy định thuộc thẩm quyền TP Hồ Chí Minh chưa phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức mà TP lại thực hiện ngay thì chưa phù hợp với quy định. Nhưng khi căn cứ vào tình hình thực tiễn và khả năng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ thì TP Hồ Chí Minh xây dựng quy định để phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức giải quyết vấn đề nhanh nhạy hơn, phát triển thành phố" – ông Nguyễn Hữu Thành nhấn mạnh.

Lộ trình 5 năm để giải quyết 600 cán bộ dôi dư

Thành phố Thủ Đức được gửi gắm rất nhiều tham vọng phát triển hạ tầng đô thị và không gian sáng tạo. Có tới 8 trung tâm chức năng cần kêu gọi đầu tư để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức liên quan đến tài chính, sản xuất ứng dụng công nghệ cao và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam.

TP Thủ Đức: Hàng trăm cán bộ dôi dư khi sáp nhập được bố trí như thế nào? - Ảnh 3.

TP Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương đầu tiên cả nước (Theo NLĐ)

Chính vì vậy mà TP có chủ trương ủy quyền ở mức cao nhất cho chính quyền UBND TP Thủ Đức để tương thích tốc độ và nhu cầu phát triển công nghệ. Đây sẽ là thành phố có HĐND và UBND riêng. Tuy nhiên việc vận hành của các cơ quan này cũng đòi hỏi sự khác biệt.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cách vận hành hoạt động Hội đồng nhân dân TP Thủ Đức cũng nên nghĩ đến một cách làm khác.

"Sẽ có hàng vạn người nước ngoài ở đây, đã và sẽ có các phiên họp Hội đồng nhân dân ở đây. Có khi mời cộng đồng dân cư nước ngoài cùng dự để họ được nghe tiếng nói của TP này gắn với họ, góp ý với TP từ góc độ người nước ngoài. Cái này chưa từng có" - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Từ nay đến hết 2022, TP sẽ duyệt xong hết các quy hoạch mới, triển khai các đầu tư lớn. TP Hồ Chí Minh đang cố gắng xin cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để được phê duyệt trong quý 1/2021.

Một điểm đáng chú ý là TP Thủ Đức không tổ chức HĐND cấp phường. Sau sắp xếp sáp nhập 3 quận, sẽ có hơn 600 cán bộ dôi dư. Dự kiến sẽ giải quyết với lộ trình 5 năm. Tuy nhiên có nhiều lo ngại rằng việc này là quá lâu và cần tính đến ổn định tâm lý cho những người thuộc diện sắp xếp, tạo điều kiện để họ có thể tìm được việc làm mới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết: "Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có dôi dư. Lộ trình 5 năm với cá nhân tôi thấy phù hợp. Một là để TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức có cơ sở lựa chọn, chắt lọc những người có trình độ, năng lực trách nhiệm vào bộ máy mới. Hai là có điều kiện thanh lọc những người chưa đảm bảo được tiêu chuẩn, trách nhiệm, giải quyết các vấn đề tinh giản biên chế. Trong quá trình xây dựng, nếu chúng ta rút ngắn thời gian trước 5 năm thì càng tốt. Tôi cho rằng điều này không gây bức xúc, xáo trộn và có điều kiện để sắp xếp cán bộ công chức ở 3 quận sáp nhập vào TP Thủ Đức".

Dự kiến vào ngày mùng 7/2 tới, bộ máy của thành phố Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Các vấn đề nảy sinh từ thực tế là không tránh khỏi trong quá trình chuyển tiếp, đòi hỏi được giải quyết một cách thấu tình đạt lý, không "trọng cái mới mà bỏ quên những vấn đề hiện hữu, những việc tồn đọng cũ" là tinh thần mà thành phố đã xác định.

Sẽ cần có thời gian để thống nhất một cơ chế mới phù hợp nhất đi vào thực tiễn, tạo ra một bệ phóng cho một thành phố đầy tham vọng như Thủ Đức. Nhưng chắc chắn sẽ không thể chờ đợi quá lâu...

TP Thủ Đức cần cơ chế mới, không cào bằng TP Thủ Đức cần cơ chế mới, không cào bằng

VTV.vn - TP Thủ Đức cần được hưởng quy chế hành chính đặc thù, không cào bằng và được trao quyền để có thể dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển của TP Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước