Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Trung ương các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 và Bộ Quốc phòng đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: thanhuytphcm.vn
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công các sự kiện năm 2024. Đặc biệt là kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện, cả nước đang hướng tới 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 2025 là năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất; cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đất nước hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tổ chức lễ kỷ niệm, khắc sâu ý nghĩa của sự kiện theo hướng đổi mới. Lễ kỷ niệm phải hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, phục vụ người dân tốt nhất.
Thành phố Hồ Chí Minh cần hoàn thiện đề án tổng thể hoạt động kỷ niệm giữa tháng 12, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư cho ý kiến. Riêng hoạt động diễu binh, diễu hành, cần lưu ý nghiên cứu thêm để làm đặc sắc hình ảnh 5 cánh quân tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Diễn văn cần phù hợp tình hình, bối cảnh công tác đối ngoại hiện tại. Hội thảo khoa học cấp quốc gia cần tìm chủ đề mới gắn với bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố nhận thức rõ về ý thức, trách nhiệm đối với sự kiện lịch sử, trọng đại này. Sự kiện không chỉ mang tầm vóc quốc gia mà còn có ý nghĩa lan tỏa xa hơn. Sự kiện 30/4/1975 là đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước. Thời điểm đó, cả đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do và xây dựng. Sau 50 năm, đất nước tiếp tục bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, mọi công việc liên quan đến sự kiện cần phải tương xứng với tầm vóc, trong đó lễ diễu binh, diễu hành là một trong những khâu quan trọng nhất của cả sự kiện. Các đơn vị thực hiện cần nghiên cứu tận dụng khai thác tối đa công nghệ, làm cách nào để máy bay bay đến đâu thì người dân đều có thể nhìn thấy, theo dõi qua màn hình.
Theo đề xuất sơ bộ, lễ diễu binh dự kiến quy tụ khoảng 35 khối của lực lượng vũ trang, do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện. Phần diễu hành tiếp sau sẽ do Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm với số lượng 11 khối. Dự kiến, tổng số lực lượng huy động cho khối diễu binh, diễu hành khoảng 13.120 người tham gia.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: thanhuytphcm.vn
Về đề án tổ chức diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, chương trình diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra vào sáng 30/4/2025, tại đường Lê Duẩn (Quận 1). Chương trình với nhiều nội dung gồm bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc - xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - xe mô hình biểu tượng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam; diễu binh các khối quân đội, dân quân tự vệ; diễu binh các khối Công an; diễu hành các khối quần chúng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ quốc phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt mọi công tác chuẩn bị giúp Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì sơ duyệt, tổng duyệt Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; sớm cung cấp Chương trình Lễ kỷ niệm có các mốc thời gian cụ thể để Bộ Quốc phòng tổ chức hợp luyện theo kịch bản buổi Lễ; bảo đảm vị trí chỉ huy, điều hành về công tác sẵn sàng chiến đấu, an ninh, an toàn của Bộ Quốc phòng tại khu vực Lễ đài; phối hợp với Bộ Quốc phòng truyền hình ảnh, âm thanh bắn Pháo lễ từ trận địa bắn về Lễ đài; bảo đảm hệ thống loa phóng thanh trên các tuyến đường có khối diễu binh, diễu hành đi qua; lắp đặt hệ thống Camera; màn hình Led tại một số địa điểm thích hợp phục vụ nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp bắn Pháo lễ; chương trình Lễ kỷ niệm và phục vụ công tác điều hành các lực lượng diễu binh, diễu hành.
Ngoài ra, bảo đảm mặt bằng cho các khối đứng làm nền; độ thoáng trên không để quan sát được không quân bay chào mừng; đảm bảo hệ thống âm thanh, ánh sáng các khu vực tập kết khi hợp luyện các lực lượng vũ trang; sơ duyệt, tổng duyệt trên trục đường Lê Duẩn…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!