Đây là một sự kiện trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ngày 5/1/1946, một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, tờ báo Cứu Quốc đăng lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".
Sáng 6/1/1946, tổng tuyển cử diễn ra ở cả 71 tỉnh, thành trên cả nước. Bằng lá phiếu của mình, cử tri cả nước đã trực tiếp bầu ra Quốc hội đầu tiên với 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau.
Với sự thành công của cuộc tổng tuyển cử, lần đầu tiên Việt Nam có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý.
5 tháng sau ngày độc lập, sự thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên giữa những khó khăn thách thức chưa từng có lúc bấy giờ đã tạo niềm tin hơn cho nhân dân đối với chính quyền nhà nước non trẻ.
"Cuộc tổng tuyển cử đã thu hút được từ 80% - 95% cử tri tham gia bầu cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, với tinh thần là Quốc hội lập hiến. Sự sáng suốt của Đảng và Bác Hồ qua tổng tuyển cử năm 1946 đặt một niềm tin tuyệt đối vào nhân dân. Nếu khơi dậy được sức mạnh của nhân dân Việt Nam thì tất cả mọi kẻ thù có thể đánh thắng, mọi khó khăn có thể vượt qua", PGS. TS. Đinh Xuân Thảo (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) cho biết.
Với sự thành công của cuộc tổng tuyển cử, lần đầu tiên Việt Nam có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế về đối nội và đối ngoại.
"Đây là cuộc bầu cử theo thể chế, theo những nguyên tắc dân chủ đầu tiên, không chỉ trong lịch sử Việt Nam, mà trong lịch sử toàn châu Á, đưa chế độ của chúng ta xác lập sau Cách mạng tháng 8 thành chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân được chính thức hóa, được chính đáng hóa theo những nguyên tắc, thể chế của nền dân chủ thế giới", GS.TS. Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay.
Cuộc tổng tuyển cử thành công cũng là lời tuyên bố về vị thế của một Nhà nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
30 năm sau, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 vào ngày 25/4/1976 mới tổ chức được trên phạm vi cả nước, một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Từ đó tới nay, Quốc hội vẫn nhất quán, xuyên suốt ý chí đại diện cho lợi ích, cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân, toàn thể dân tộc.
Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên VTV.vn - Ngày 6/1/1946, 4 tháng từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn, đông đảo cử tri trong cả nước đã đi bỏ phiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!