Tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa khi sáp nhập xã, huyện

Quỳnh Trang-Thứ hai, ngày 08/04/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương nhưng yếu tố mang giá trị lịch sử, văn hóa cần được chú trọng.

Theo kế hoạch, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 sẽ phải hoàn thành trong tháng 10 năm nay, trước khi các địa phương tiến hành Đại hội cấp cơ sở. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương, nhưng những yếu tố mang giá trị lịch sử, văn hóa cần được đặc biệt chú trọng.

Phong tục, tập quán, cách ứng xử, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo riêng có của người dân mỗi địa phương. Để có được sự hòa hợp và tiếng nói chung cũng như tổ chức, duy trì, phát huy các giá trị văn hóa của mỗi nơi sau sáp nhập không phải là việc đơn giản.

Những công việc chuẩn bị cho sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn đang được tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện. Có một huyện, một thành phố và 32 xã thuộc diện sắp xếp lại. Khi sáp nhập 2, 3 đơn vị thành một, trong quá trình ấy, những yếu tố về lịch sử, văn hóa được đặc biệt coi trọng. Đơn cử như 3 phường: Phúc Thành, Thanh Bình và Vân Giang tới đây sẽ hợp nhất, sáp nhập làm một. Tên của phường mới dự kiến là Vân Giang.

Tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa khi sáp nhập xã, huyện - Ảnh 1.

Ninh Bình đang triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính theo định hướng xây dựng Ninh Bình thành "Đô thị Di sản thiên niên kỷ". (Ảnh: VGP)

"Chúng tôi đã tuyên truyền phương án đến người dân, người dân cũng ủng hộ và nhất trí với tên gọi là phường Văn Giang, là phường gốc, có từ lâu đời, liên quan tới Vân Sàng nên cơ bản đồng thuận cao", ông Tạ Hữu Tước, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, cho biết.

Là vùng đất Cố đô, giàu lịch sử và truyền thống văn hóa nên khi sáp nhập các đơn vị hành chính, bên cạnh chú trọng tạo không gian phát triển mới, Ninh Bình đặc biệt tôn trọng các yếu tố lịch sử, văn hóa đặc thù của từng địa phương. Phương án sáp nhập thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư cũng được tính toán kỹ với đề xuất tên gọi mới là thành phố Hoa Lư.

"Nhân dân ủng hộ tên thành phố Hoa Lư vì nó mang tính truyền thống hàng nghìn năm nay. Nó vang dội chiến công ngày xưa, hào hùng của dân tộc, nên ta kế thừa truyền thống hào hùng của dân tộc đến bây giờ", ông Lê Khắc Tẫn, phường Phúc Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, cho hay.

"Chúng tôi tính toán làm sao đáp ứng được các yêu cầu về không gian phát triển, phát huy tối đa được các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị đặc sắc về thiên nhiên. Chúng tôi lấy lõi của thành phố Hoa Lư mới dự kiến là Tràng An làm động lực thúc đẩy không gian phát triển mới", ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, thông tin.

Sáp nhập luôn là công việc khó, phức tạp và nhạy cảm, nhưng cũng là việc tất yếu để tạo ra một không gian phát triển mới. Với tinh thần như vậy, Ninh Bình đang triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính theo định hướng xây dựng Ninh Bình thành "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Sắp xếp cán bộ dôi dư trong sáp nhập xã, huyện: Cần chủ động, trách nhiệm và quyết liệt Sắp xếp cán bộ dôi dư trong sáp nhập xã, huyện: Cần chủ động, trách nhiệm và quyết liệt

VTV.vn - Để giải quyết cán bộ dôi dư trong sáp nhập đơn vị hành chính, ngoài các chính sách chung, các địa phương cần thực sự chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước