Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; có giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2024 hoàn thành phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Trong lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác dữ liệu của các cơ quan dân cử; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ… trong giới hạn cho phép, tiếp tục tham mưu các giải pháp cải thiện tín nhiệm quốc gia.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội đề nghị hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp "sân sau" của tổ chức tín dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội đề nghị khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; ban hành cơ chế mua bán điện giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện, khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái nhà dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu. Tăng cường quản lý, giám sát hàng hóa trên không gian mạng; tổ chức triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường; thông tin và truyền thông; lao động, thương binh và xã hội; văn hóa, thể thao và du lịch...
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các Kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan không hoàn thành các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát và vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!