Thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Việt Cường, Văn Khương, Trung Thành-Thứ năm, ngày 21/12/2023 19:26 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 6 nhiệm vụ chính cho ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và các chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các thành tích ngành ngoại giao đã đạt được từ Đại hội XIII của Đảng đến nay và nhấn mạnh 6 kết quả nổi bật trong ngoại giao kinh tế. Đó là, đã tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như đại dịch COVID-19, an ninh năng lượng, lương thực, chống biến đổi khí hậu; góp phần tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực xây dựng đất nước; thúc đẩy ngoại giao văn hoá, ngoại giao nhân dân, thúc đẩy các quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp, người dân, địa phương. Bên cạnh đó, cùng với việc chỉ rõ 5 hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng đã nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm trong ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ''Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết trong hoạt động ngoại giao kinh tế nhưng phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Thứ hai, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, chính xác hơn. Thứ 3, các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy, thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre như Tổng Bí thư đã nói, gốc thì vững, thân thì chắc, cành thì uyển chuyển. Thứ tư, bám sát yêu cầu trong nước, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; phải làm những gì người ta cần chứ không phải làm những gì mình có. Thứ năm, phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết về luật pháp và có tâm, có tầm''.

Thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và nhiều nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong đó, bao trùm nhất là phải tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và kế hoạch hành động của Chính phủ. Đồng thời, phải nắm chắc, dự báo tốt tình hình, triển khai có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực là xu thế của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, cơ sở dữ liệu lớn; nghiên cứu thể chế, các luật lệ, kinh nghiệm của các nước trong các lĩnh vực cụ thể mà nước ta đang gặp vướng mắc.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác với các nước chặt chẽ hơn, sát thực tế và tổ chức công việc phải hiệu quả hơn; tập trung đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khắc phục việc đứt gãy chuỗi sản xuất càng nhanh càng tốt; chú trọng mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai ngoại giao kinh tế.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước