Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng đã nhất trí Chính phủ sẽ hỗ trợ tỉnh này thực hiện chống hạn.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tổng lượng mưa trong cả năm ngoái ở tỉnh bị thiếu từ 35-64% và hai tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, khiến lượng dòng chảy trên các sông, suối trong tỉnh thiếu hụt hơn 2/3, còn dung tích của nhiều hồ chứa nước hiện chỉ còn 10% hoặc dưới dung tích chết. Tính đến nay, đã có hơn 1/4 trong tổng số gần 20.000ha lúa vụ Đông Xuân của Khánh Hòa bị ảnh hưởng do hạn hán. Còn dự kiến, vụ lúa Hè Thu tới, tỉnh sẽ phải bỏ 1/3 diện tích đất trồng lúa vì không có nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn hán ở Khánh Hòa có vẻ không ảnh hưởng nặng như Ninh Thuận, tuy nhiên với khoảng 33% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, thì hạn hán tác động đến một bộ phận dân cư không hề nhỏ. Vì 3 tháng qua, nông nghiệp của Khánh Hòa chỉ tăng trưởng 1%, chưa bằng một nửa so với bình quân cả nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá, tính nghiêm trọng của hạn hán ở Khánh Hòa vẫn còn ở phía trước, vì tỉnh chỉ còn 30 triệu m3 nước ở các hồ chứa, so với nhu cầu 200 triệu m3. Trong khi nắng hạn do El Nino gây ra còn có thể kéo dài đến mùa Thu. Hơn nữa, nhân tố bảo đảm cho Khánh Hòa phát triển bền vững là chính là nguồn nước, vì nếu không có nước thì tỉnh không thể thu hút được đầu tư vào công nghiệp và du lịch, nhất là ở Khu kinh tế Vân Phong và Cam Ranh.
Trước những thiệt hại nặng nề do nắng hạn gây ra ở Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với những khó khăn mà người dân trong tỉnh đang phải gánh chịu; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục nỗ lực tối đã trong điều kiện có thể làm được nhằm đảm bảo đủ nước uống cho nhân dân, cũng như không để dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh phải cố gắng giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc cho đồng bào. Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa cần sớm chuyển đổi 18.000ha trồng lúa nước sang trồng các loại cây tốn ít nước hơn, bởi theo dự báo hạn hán còn có thể kéo dài 4-5 tháng nữa. Còn sau vài năm hạn hán nghiêm trọng sẽ có thể quay trở lại nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc Khánh Hòa hay Ninh Thuận không trồng lúa nước mà chuyển sang trồng các loại cây khác không hề ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Trong khi đó, việc chuyển diện tích trồng lúa tốn nhiều nước sang trồng các loại cây tốn ít nước như cỏ gắn với việc chăn nuôi bò, cừu trên quy mô lớn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vừa góp phần giảm nhập khẩu cỏ, thịt bò và thịt cừu cho thị trường nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.