Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo thành phố; đại diện các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công dự án và đông đảo nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Tuyến đường Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 19,4km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, một vị trí cầu lớn; tuyến đường đi qua quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng; quy mô mặt cắt mỗi bên 19,5m, trong đó phần mặt đường 11m, lề đất bên trong 0,5m, vỉa hè 8m; tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026.
Tuyến đường được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố Cần Thơ, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Việc đưa dự án vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, trên tuyến có xây dựng cầu Ba Láng qua sông Cần Thơ, không những đảm trách vai trò cầu nối giao thông, cầu còn có kiến trúc đẹp, nâng tầm mỹ quan khu vực đô thị, cầu Ba Láng còn mang một ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Cần Thơ.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
"Việt Nam phát triển kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật canh tranh, quy luật cung cầu; song điều hành nền kinh tế bằng các công cụ khoa học, hợp lý, hiệu quả và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào", Thủ tướng khẳng định.
Trong quá trình đó, xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Trong đó, coi con người là chủ thể, trung tâm; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Việt Nam đang thực hiện ba đột phá chiến lược gồm thể chế, nhân lực và hạ tầng để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững đối với thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là "…phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặt biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế; là cơ sở để thành phố Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế". "Trong nhiệm kỳ này, Nhà nước dành nguồn kinh phí phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lớn nhất từ trước tới nay", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nội dung quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, đường liên tỉnh trục dọc và trục ngang kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua địa bàn thành phố.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Trung ương và thành phố Cần Thơ đã và đang huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt, để tăng cường kết nối trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua địa bàn thành phố, kết nối liên vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, tạo sức lan tỏa, động lực thúc đẩy liên kết hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Theo Thủ tướng, việc dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1A với hệ thống giao thông đô thị của thành phố, góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối thành phố Cần Thơ với các tỉnh lân cận; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cảnh quan du lịch và khắc phục ùn tắc giao thông cho thành phố; tạo ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ.
"Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ là dự án thực hiện thay đổi tư duy trong phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, đi đôi với kiểm tra, giám sát. Trong đó có sự kết hợp cả nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương; thực hiện phân cấp quản lý, triển khai, kiểm tra, giám sát dự án từ Trung ương xuống cơ sở", Thủ tướng chỉ rõ.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Để dự án sớm hoàn thành và phát huy vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cho Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ và Chính quyền các cấp của thành phố nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân tạo thuận lợi các nhà thầu thi công và tư vấn giám sát; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cũng như các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thi công; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh; tập trung quan tâm chăm lo ổn định nơi ở, thu xếp công việc và điều kiện sinh sống của gần 589 hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án.
Bên cạnh đó, các nhà thầu thi công và tư vấn giám sát chủ động, tích cực triển khai các dự án thành phần; bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công; chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu, chống lãng phí.
Thủ tướng đề nghị thay đổi biện pháp thi công, cách làm, giảm đầu mối nhà thầu... để giảm thời gian thi công dự án so với kế hoạch, sớm đưa công trình vào khai thác. Thủ tướng tin tưởng, dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ sẽ được xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, chất lượng, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của thành phố Cần Thơ; dự án trở thành hình mẫu trong việc kết hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa nhân dân và Nhà nước, hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng.
Sau phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh và cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành phố Cần Thơ thực hiện nghi thức khởi công dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!