Thủ tướng: Ninh Bình nâng cao uy tín, vị thế của vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản

TTXVN-Thứ sáu, ngày 18/11/2022 18:24 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Ninh Bình là tỉnh có "tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh" để phát triển.

Ngày 18/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Năm đầu tiên tự cân đối được ngân sách

Báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Bình tại buổi làm việc cho biết, trong năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình có nhiều nỗ lực thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

Theo đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, song năm 2022 kinh tế phục hồi, phát triển khá, tỉnh dự kiến hoàn thành và vượt kế hoạch 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có 12/15 chỉ tiêu vượt. Trong 9 tháng năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 8,32%, riêng trong Quý III tăng 12,64%; là năm đầu tỉnh Ninh Bình thực hiện tự cân đối ngân sách; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 12,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 66,8%; hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới...

Cùng với đó, dịch vụ, du lịch phục hồi, phát triển tốt. Trong 9 tháng năm 2022, Ninh Bình đón trên 2,78 triệu lượt khách du lịch, vượt 11,2% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; doanh thu vượt 10,5% kế hoạch và tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Ninh Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, trong 9 tháng giải ngân đạt trên 3.900 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt kết quả tương đối tốt. Trong đó, chỉ số SIPAS xếp thứ 12/63, tỉnh, thành phố; PAR-Index xếp thứ 20/63; PAPI xếp thứ 8/63; xếp thứ 6/63 về chuyển đổi số (DTI).

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được đảm bảo; niềm tin của nhân dân vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực.

Tỉnh Ninh Bình kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan bổ sung quy hoạch hàng không, điện và công nghiệp ô tô của tỉnh vào quy hoạch quốc gia; phát triển kết cấu hạ tầng gồm nâng cấp một số tuyến đê, kè sông, biển; bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và du lịch như Cố đô Hoa Lư, di sản Tràng An...

Thủ tướng: Ninh Bình nâng cao uy tín, vị thế của vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Phát huy vị thế của vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp để Ninh Bình thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Trong đó, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, với nguồn tài nguyên phong phú và các di sản thế giới, Ninh Bình có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, tỉnh cần giảm dần các ngành công nghiệp tiêu hao nhiên, nguyên liệu và phát thải nhiều ra môi trường; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn, xanh, thân thiện với môi trường; đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp không khói, xây dựng Ninh Bình thành vùng du lịch mang tầm quốc tế...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ninh Bình đã đạt được; đóng góp tích cực vào kết quả chung của đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của Ninh Bình - vùng đất Cố Đô, địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, quy mô kinh tế của tỉnh Ninh Bình vẫn nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; đô thị hóa thấp; phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế biển và vùng sinh thái đồi núi phía Tây Nam chưa khai thác hết; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được cải thiện, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố...

Trên cơ sở chỉ ra vị trí địa chính trị, kinh tế, truyền thống lịch sử văn hóa; phân tích các tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, thuận lợi trong phát triển của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Ninh Bình là tỉnh có "tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh" để phát triển.

"Ninh Bình là tỉnh có non cao, nước tốt, biển dài; núi non hùng vĩ, sông nước hiền hòa; nơi giao lưu giữa các vùng miền; nơi giao hòa giữa thiên nhiên, con người; có các tuyến giao thông huyết mạch đường bộ, đường sắt đi qua; con người cần cù, dễ mến, có truyền thống lịch sử, văn hóa...", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng: Ninh Bình nâng cao uy tín, vị thế của vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất di sản - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Sau khi phân tích tình hình thế giới, trong nước, định hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ninh Bình tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường để đi lên. Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi bảo đảm điều kiện cần thiết, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tối đa nguồn nhân lực...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; đảm bảo đủ nguồn xăng dầu, thuốc và vật tư y tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn; tiếp tục tăng thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh hợp tác công tư trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng.

Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 3 "khâu đột phá" của tỉnh gồm chuyển đổi số, nguồn nhân lực, hạ tầng.

"Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao ở phía Tây Nam; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch ở khu vực Cố Đô Hoa Lư và vùng di sản Tràng An; chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị; chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, du lịch, dịch vụ...", Thủ tướng gợi mở.

Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số PCI.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

"Phải làm cho Ninh Bình giàu đẹp; người dân Ninh Bình ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần vào xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời có ý kiến trực tiếp đối với từng đề xuất, kiến nghị của tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ninh Bình để giải quyết.

Thủ tướng chỉ rõ, những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó chủ trì, phối hợp giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm công trường xây dựng tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình giai đoạn I và thăm Tập đoàn Thành Công và nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công của Tập đoàn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước